Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay: Quyền lợi khách hàng ở đâu?

Thứ Năm, 08/04/2021 10:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với lý do để doanh nghiệp phát huy vai trò, trách nhiệm là hãng hàng không quốc gia, ngoài việc kiến nghị tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay đưa ra mới đây, Hãng hàng không Vietnam Airlines còn mong muốn có thêm nhiều hỗ trợ khác nữa. Nhưng đây có phải là mong muốn thật sự hợp lý trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, việc thiết lập một thị trường ngày một công bằng hơn, minh bạch hơn là điều kiện tiên quyết?

 Ảnh minh họa. (Ảnh: M.P)

Thời gian qua, từng bước hiện thực hóa định hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thị trường kinh doanh vận tải hàng không tại Việt Nam đã lành mạnh và minh bạch hơn. Nhờ sự cạnh tranh sôi động của sáu hãng hàng không gồm: VNA, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airines, Vietravel Airlines và VASCO... đã giúp người dân có cơ hội mua được vé máy bay giá rẻ, phù hợp thu nhập của đa số khách hàng.

Tại cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam mới đây, VNA kiến nghị, tăng mức giá trần 50.000 đồng - 250.000 đồng/khách. Giá sàn được kiến nghị theo hai phương án: Thứ nhất, bằng 35% mức giá trần theo từng cự ly; Thứ hai, theo chi phí biến đổi trung bình một ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ.

Không chỉ kiến nghị tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay mà VNA còn mong muốn có thêm nhiều hỗ trợ để doanh nghiệp phát huy vai trò, trách nhiệm là hãng hàng không quốc gia. Cụ thể, VNA đề nghị cần tiếp tục xây dựng quy chế để bảo đảm hãng được cấp hơn 50% lượng khung giờ cất hạ cánh (slot bay) và thương quyền được phân bổ. Hãng cũng muốn được ưu tiên là hãng hàng không đầu tiên khai thác trở lại các điểm đến quốc tế để thể hiện hình ảnh quốc gia, đồng thời xin được thực hiện nghiệp vụ bán và thuê lại (sale & leaseback) với 50% số lượng máy bay trong đội tàu bay.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của cả ngành hàng không lẫn giới chuyên gia đều không đồng tình. Thậm chí cho rằng, không thể cầu cứu can thiệp hành chính vào giá cả và cần tôn trọng cơ chế thị trường.

Có chuyên gia thẳng thắn, nếu áp dụng giá sàn chung cho vé máy bay như VNA đề xuất, hành khách sẽ mất đi cơ hội có vé giá rẻ và vi phạm Luật Cạnh tranh. Bởi thực tế, khi có hãng bay mới tham gia thị trường hàng không Việt Nam, hành khách sẽ có thêm lựa chọn để đi lại và so sánh giá cả. Hãng nào có giá rẻ hay dịch vụ tốt để khách chọn. Vì vậy, nếu giá sàn áp dụng thì chắc chắn vé máy bay sẽ tăng cao hơn trước, làm mất cơ hội vé rẻ, quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, số lượng các hãng hàng không còn ít so với nhu cầu đi lại đang tăng nhanh, do đó nếu để các hãng tăng giá trần và áp giá sàn thì rất có thể xảy ra tình huống các hãng sẽ bắt tay làm giá trong giai đoạn cao điểm để “bắt chẹt” người tiêu dùng. Điều này vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp quy có trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành.

Ở góc độ doanh nghiệp tham gia thị trường hàng không, lãnh đạo một hãng bay trong nước đặt vấn đề, áp giá sàn là hình thức hạn chế các chương trình kích cầu, làm khó cho các hãng bay khác. Vậy Việt Nam có thể làm gì để kích cầu và duy trì nhu cầu đi lại, du lịch trong tình hình ảnh hưởng dịch bệnh như hiện nay? Việt Nam chưa đạt được mức sống quá cao để lúc nào cũng có sẵn nguồn nhu cầu đi lại, mà vẫn cần phải có chất xúc tác kích cầu, vậy chất xúc tác là gì?

Các nghiên cứu tiêu dùng cho thấy yếu tố giá là yếu tố quyết định mạnh nhất vào nhu cầu tiêu dùng. Nhiệm vụ của các nhà cung cấp dịch vụ trong giai đoạn này là làm sao có giải pháp tiết kiệm và quản lý chi phí hiệu quả nhất để có thể đưa ra các gói giá khuyến mãi kích cầu cùng chương trình quốc gia. Bây giờ nếu giá vé nâng lên thì sẽ có ai đi và ngành hàng không, du lịch có phát triển và phục hồi được không?

Qua đó để thấy rằng, bất kỳ đề xuất nào liên quan đến chính sách chung cũng phải tốt cho đất nước nói chung chứ không phải chỉ cho bản thân doanh nghiệp. Mặt khác, đã tham gia vào thị trường thì phải nghĩ đến quyền lợi chung của khách hàng và nền kinh tế. Nhìn ở góc độ kinh tế, muốn phục hồi thì phải có ngân sách. Không có ngân sách thì phải có sự hợp tác của các thành phần kinh tế, chứ không nên cắt các chương trình kích cầu. Áp giá sàn chính là hình thức hạn chế các chương trình kích cầu. Khi Việt Nam nhất quán vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không nên can thiệp áp giá sàn hoặc giá trần, tất cả là do thị trường điều tiết

Theo chuyên gia hàng không - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, khách bay trong nước sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng mà các hãng đang áp dụng rộng rãi để giải quyết việc làm, cải thiện dòng tiền và tham gia kích cầu cho ngành du lịch... Do có nhiều quan điểm khác nhau, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, Cục Hàng không (Bộ Giao thông vận tải) nên đứng ở vai trò là trọng tài để lấy ý kiến, thảo luận, lắng nghe các hãng bay và đưa ra chính sách tốt cho các hãng nhằm mang lợi ích cho xã hội.

Thực tế, khi VNA tái đề xuất tăng giá trần, áp giá sàn máy bay chỉ là kiến nghị riêng của VNA. Nếu những đòi hỏi của VNA được chấp thuận, hành khách sẽ phải bay với giá rất đắt, thị trường hàng không mất đi tính cạnh tranh, việc này không có lợi cho người dân.

Vẫn biết các hãng hàng không đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí khó trụ vững trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài và việc hỗ trợ các hãng là cần thiết, nhưng rõ ràng các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính... cần có những giải pháp phù hợp, không nên để người dân và ngành du lịch phải chịu thêm gánh nặng.

Chủ tịch hội thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa thẳng thắn nêu quan điểm: Tôi không tán thành với đề xuất của VNA áp giá sàn vé máy bay bởi vì đề nghị này chỉ bảo hộ ngành hàng không thôi chứ không chú ý đến quyền lợi của khách hàng, trong điều kiện ngành hàng không đã có cạnh tranh giữa các hãng thuộc các thành phần kinh tế. Còn căn cứ mà VNA đề xuất giá sàn vé máy bay là lo ngại cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ cạnh tranh được điều chỉnh bằng Luật Cạnh tranh.

Về nguyên lý kinh tế, khi cho rằng có cạnh tranh không lành mạnh thì phải đánh giá tổng kết được doanh thu có được bán dưới giá thành để thu hút khách hàng và loại trừ đối thủ hay không. Như vậy mới kết luận được cụ thể. Còn chỉ nói là nếu không có giá sàn khiến khả năng các hãng cạnh tranh không lành mạnh thì không thuyết phục.

Hơn thế, hiện Nhà nước vẫn đang có những chính sách hỗ trợ cho ngành hàng không như giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu bay từ giữa năm 2020 đến hết năm nay. Đặc biệt, riêng VNA còn được các ngân hàng cho vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, việc đề xuất tăng trần giá vé của VNA trong bối cảnh hiện nay cần xem xét lại.

Bởi dư luận đang cho rằng, liệu có phải với vị thế là Hãng hàng không quốc gia, VNA có thể tự cho mình cái đặc quyền đòi hỏi? Dù cho đó là những kiến nghị kiểu “được voi, đòi tiên”?./.

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN