Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng đề kháng tạo rào chắn chống chọi với COVID-19

Thứ Sáu, 15/10/2021 18:19 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Trong bối dịch COVID-19 đang hoành hành gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, nhiều chuyên gia sức khỏe cho rằng, trong giai đoạn hiện nay con người cần nâng cao thể trạng và sức đề kháng, chủ động bảo vệ bản thân trước những tác động ngày càng khắc nghiệt dịch bệnh môi trường. Trong đó, sức đề kháng sinh học được hình thành từ lối sống khoa học, dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện thể dục thể thao, cân bằng cuộc sống, tiêm chủng phòng ngừa…

 Ảnh minh họa (Ảnh: Ngọc Tú)

Được xếp loại bệnh truyền nhiễm nhóm A (cực kỳ nguy hiểm), COVID-19 đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sức khỏe của con người trên khắp thế giới. Hiện Việt Nam có trên 600.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2 và khoảng 15.000 người tử vong. Đến thời điểm hiện tại, riêng TPHCM có hơn 300.000 ca nhiễm với khoảng 12.000 người tử vong. Việc xuất hiện nhiều biến thể mới trong khi vaccine chưa được phủ rộng cho toàn dân đang tạo áp lực lên hệ thống y tế và uy hiếp không nhỏ đến sức khỏe của một bộ phận người dân.

Tuy nhiên, có một thông tin đáng mừng là trong số những F0 hiện nay, tỷ lệ người không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, trung bình chiếm tới 80%. Hiện đã có 6 loại vaccine phòng COVID-19 được đưa vào sử dụng và thêm một loại vừa được phê duyệt, mở thêm cánh cửa “sống thích nghi” trong mùa dịch cho nhiều người.

Là người tham gia công tác, từng trở thành F0 vừa hoàn thành đợt điều trị, cách ly kéo dài 21 ngày, Thạc sĩ Trương Văn Đạt, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của y tế, ý thức phòng, chống dịch của từng cá nhân đóng vai trò rất quan trọng. Ai cũng có thể trở thành F0, vì vậy cần có sự chuẩn bị để chủ động phòng thay vì đợi đến lúc phải chống chọi với virus trong cơ thể.

Theo ông Đạt, virus SARS-CoV-2 vô hình nhưng hậu quả là hữu hình, do đó, không thể chủ quan. Tỷ lệ mắc COVID-19 và tử vong trên toàn thế giới hiện khá cao, chiếm 0,05%. Sự xuất hiện các biến chủng mới trong thời gian ngắn khiến hệ thống y tế tại nhiều quốc gia gặp rất nhiều khó khăn trong việc thay đổi, bổ sung phác đồ điều trị cho người nhiễm virus. Do đó, rất cần sự chuẩn bị từ mỗi cá nhân, thành phố, quốc gia để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp của dịch bệnh. “Vaccine là giải pháp cần thiết. Riêng đối với F0, họ cần được trang bị hoặc hỗ trợ kiến thức để chăm sóc, điều trị bệnh. Người nhiễm COVID-19 phải dùng thuốc điều trị khi cần hoặc khi có triệu chứng và can thiệp y tế khi chuyển biến nặng. Điều quan trọng là người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để sớm phục hồi thể trạng. Và hơn hết, họ phải được chăm sóc sức khỏe tinh thần. Tâm lý là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến với dịch COVID-19”, ông Đạt phân tích thêm.

Khi hệ thống y tế quá tải trầm trọng, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng sẽ hiệu quả hơn nếu tập trung kiểm soát F0 sớm và bố trí họ cách ly theo hộ gia đình với các loại thuốc hiệu quả. Cùng với việc điều trị kịp thời, tránh trở nặng, F0 cần có chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý để sớm hồi phục. Nguy hiểm nhất vẫn là những tổn thương mà người nhiễm COVID-19 phải gánh chịu sau quá trình điều trị. Đó những hư tổn về gan, thận, phổi cùng nhiều cơ quan khác.

Nhiều chuyên gia sức khỏe cho rằng, trong giai đoạn hiện nay con người cần nâng cao thể trạng và sức đề kháng, chủ động bảo vệ bản thân trước những tác động ngày càng khắc nghiệt của môi trường. Trong đó, sức đề kháng sinh học được hình thành từ lối sống khoa học, dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện thể dục thể thao, cân bằng cuộc sống, tiêm chủng phòng ngừa… Sức đề kháng tinh thần - một yếu tố không nên bỏ qua - được hình thành từ quá trình sống tích cực, hiểu được giá trị cuộc sống để có sự điều chỉnh phù hợp. Nhất là trong trường hợp không may nhiễm bệnh, chính sức đề kháng tinh thần sẽ giúp các F0 vượt qua các giai đoạn khó khăn nhất.

Trong khi đó, Bác sĩ CKII Trần Quốc Khanh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho rằng muốn phòng, chống dịch COVID-19, phải làm tận gốc, tức là hiểu rõ để bảo vệ lá phổi khỏe mạnh ngay từ đầu. Các số liệu thống kê cho thấy, trong 10 nhóm nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu có tới 4 nhóm nguyên nhân thuộc về đường hô hấp với hơn 10 triệu người tử vong/năm. “Do đó, biết sớm, hiểu tiến trình và can thiệp sớm sẽ giúp chúng ta cải thiện được tình hình. Trước giai đoạn bệnh, việc tiêm vaccine đóng vai trò rất quan trọng. Cùng với đó là ý thức bảo vệ của từng cá nhân trong cộng đồng. Quá trình chuyển biến từ giai đoạn khỏe mạnh, đến các giai đoạn kém thích nghi - tiền bệnh - bị bệnh - khám chữa bệnh sẽ có nhiều thay đổi, nếu không được can thiệp đúng lúc có thể dẫn đến chuyển biến xấu, thậm chí tử vong.

Theo BS Khanh, thay vì đợi có bệnh mới lo điều trị, mỗi người cần chủ động bảo vệ, tăng cường sức đề kháng cho hệ hô hấp. Ông Khanh đưa ra 4 phương pháp chính, trong đó nhấn mạnh yếu tố thực dưỡng, bổ sung các chất hỗ trợ cùng chế độ tập luyện hợp lý nhằm “chữa bệnh từ gốc”, miễn dịch chủ động. Không đợi đến khi cơ thể mệt mỏi, nhiễm bệnh mà mỗi ngày ai cũng cần bổ sung vitamin, khoáng chất, các chất hoạt tính sinh học cao cần thiết cho hệ hô hấp. Cùng với việc nạp dưỡng chất có lợi, mỗi ngày cơ thể cần được đào thải những chất độc hại tích lũy trong hệ hô hấp. Chế độ vận động hợp lý cùng với việc giải tỏa căng thẳng kéo dài sẽ giúp cơ thể khỏe thực chất từ bên trong, giúp trẻ hóa và phục hồi chức năng tế bào của hệ hô hấp. Khi hệ hô hấp được chăm sóc thường xuyên sẽ làm chậm lại diễn tiến của các giai đoạn gây bệnh, hạn chế sự xâm nhập của virus.

Còn theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Đàn, Trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Thống Nhất cho rằng việc chú trọng chế độ thực dưỡng phòng dịch đóng vai trò rất quan trọng. Tình trạng dinh dưỡng ảnh hưởng đến chức năng và hoạt động của hệ hô hấp cũng như hệ miễn dịch trong đề kháng với bệnh COVID-19. Với một cơ thể khỏe mạnh thì ngay cả khi nhiễm bệnh diễn tiến sẽ được giảm nhẹ hơn nhiều so với cơ thể yếu sẵn. Đợi đến khi virus gây ra biến chứng thì không chỉ tăng chi phí điều trị mà còn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Bài phân tích của Bác sĩ Đàn chỉ ra rõ, cơ thể suy dinh dưỡng sẽ làm suy giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch và tăng mức độ nhạy cảm với nhiễm trùng virus SARS-CoV-2. Ông Đàn khuyến cáo: “Nguy cơ tử vong của bệnh nhân suy dinh dưỡng khi mắc COVID-19 tăng 10 lần so với người có dinh dưỡng tốt”.

Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc bảo đảm đầy đủ các loại dưỡng chất trong đồ ăn, thức uống như bình thường là điều không đơn giản. Do đó, Bác sĩ Đàn lưu ý mỗi người cố gắng duy trì các mức dinh dưỡng vừa đủ để tăng đề kháng tự nhiên cho cơ thể. Các vitamin rất cần thiết cho cơ thể, nhất là trong mùa dịch nhưng phải dùng đủ và đúng, vì dư vitamin sẽ dẫn đến nhiều rắc rối không ngờ. Một số loại thực phẩm cũng có thể gây độc nếu dùng quá liều. Do vậy tùy cơ địa mỗi người mà có sự chọn lựa, điều tiết phù hợp. Vitamin C rất quan trọng nhưng giới hạn tối đa là 2.000 mg mỗi ngày. Cùng với đó là tăng cường vitamin D, B, K, Zn, Mg cùng một số chất điện giải.

 

Huy Hoàng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN