Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại
(ĐCSVN) - Những nỗ lực của Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) nhằm thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại, đồng thời góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và của các ngành sản xuất, xuất khẩu.
Việt Nam đứng trước các cơ hội lớn về xuất khẩu hàng nông sản (ảnh minh họa) |
Với thế mạnh hàng hóa có giá cả phải chăng, đạt tiêu chuẩn chất lượng, xuất khẩu của Việt Nam đứng trước các cơ hội lớn khi nước ta ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Song, sự vươn lên của các trung tâm sản xuất hàng hóa mới nổi như Việt Nam đã làm cho nhiều thị trường nhập khẩu, đặc biệt là một số nền kinh tế phát triển áp dụng các biện pháp PVTM với tần suất cao hơn.
Thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của nước ngoài, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM (PVTM).
Số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho hay, đến nay, đã có 273 vụ việc điều tra PVTM từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (149 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (55 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp PVTM (39 vụ việc) và chống trợ cấp (30 vụ việc). Tính riêng năm 2024, số vụ việc PVTM là 29 đến từ 12 thị trường.
Tại hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản diễn ra ngày 16/12/2024, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc chia sẻ thông tin Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Trong đó, nhóm hàng thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại bị cảnh báo nhiều nhất.
Theo lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cho biết, vấn đề đáng quan ngại là hiện nay, các nước có xu hướng thắt chặt, đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Tính chất các vụ việc cũng ngày càng phức tạp, khó khăn hơn trong ứng phó, xử lý, thể hiện qua việc yêu cầu các bên tuân thủ chặt chẽ về thời gian trả lời câu hỏi; yêu cầu bổ sung thêm nhiều tài liệu, thông tin, dữ liệu trong khi thời gian trả lời bị hạn chế; việc xin gia hạn gặp nhiều khó khăn, rào cản ngôn ngữ…
Số lượng các vụ việc Việt Nam bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại |
Trước những thách thức đặt ra, để hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài cần cung cấp thông tin sớm hơn, phối hợp kịp thời, đầy đủ hơn và có những cảnh báo, khuyến nghị cho các hiệp hội, doanh nghiệp có thể ứng phó tốt hơn.
Cục Phòng vệ thương mại cũng khuyến cáo từng cá nhân, tổ chức chủ động theo sát diễn biến tình hình thương mại toàn cầu, các xu hướng hợp tác song phương, khu vực và quốc tế, các điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác để chủ động phân tích, dự báo và đề xuất, kiến nghị chủ trương, giải pháp ứng phó phù hợp.
Trong phạm vi phụ trách, Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của Cục. Đồng thời, sử dụng hệ thống cảnh báo sớm để đưa ra những dự báo từ sớm, từ xa, giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài.
Tham gia các phiên họp về Tiểu ban Phòng vệ thương mại thực thi các hiệp định và tổ chức phiên đối thoại cấp cao giữa Việt Nam với các đối tác về PVTM cũng sẽ là một trong những hoạt động, mục tiêu chính của Cục Phòng vệ thương mại hướng tới nhằm tăng cường quan hệ trao đổi, chia sẻ và thấu hiểu lẫn nhau trong hoạt động điều tra PVTM giữa hai bên. Tham gia vào các Tiểu ban Phòng vệ thương mại của các Hiệp định thương mại tự do và các Nhóm công tác chung về Phòng vệ thương mại cũng là hoạt động để Việt Nam có thêm kinh nghiệm đối với lĩnh vực này; tăng cường thắt chặt quan hệ hợp tác và thường xuyên giữa Việt Nam và đối tác, từ đó nhận được sự ủng hộ của nhau trên các diễn đàn song phương và đa phương trong lĩnh vực PVTM.
Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại chia sẻ, tới đây, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật PVTM tới doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm góp phần nâng cao hiểu biết và sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp đối với các thỏa thuận quốc tế; thông tin về cơ hội, thách thức và những yêu cầu phải đáp ứng khi doanh nghiệp tham gia, thực hiện các hiệp định thương mại tự do.
Tọa đàm trực tuyến giữa doanh nhân trong nước và doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ để cùng chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau về những điều cần quan tâm khi vào thị trường Hoa Kỳ (ảnh: TTXVN) |
Cục PVTM cũng sẽ tích cực tổ chức các hội thảo, hội nghị về PVTM với mục tiêu tuyên truyền, nâng cao kiến thức về cảnh báo sớm PVTM tại các địa phương Qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp được củng cố, bổ sung những kiến thức về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các biện pháp PVTM, tận dụng các cơ hội, nắm bắt được cách thức xử lý khi gặp phải các vụ kiện PVTM, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và của các ngành sản xuất, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Cục cũng tổ chức các cuộc tọa đàm trao đổi chuyên môn với các doanh nghiệp, Hiệp hội bị nước ngoài điều tra PVTM. Thông qua các hội thảo, khóa đào tạo, tọa đàm, không chỉ doanh nghiệp mà cả các cán bộ chuyên môn cũng nắm được thực trạng và cùng nhau nâng cao năng lực, tháo gỡ vấn đề. Việc đối thoại trực tiếp sẽ giúp thông tin được trình bày xuyên suốt, nêu được tổng quan về các biện pháp PVTM; đánh giá thực trạng việc áp dụng một số quy định pháp luật trong thực tiễn điều tra các vụ việc tại Việt Nam; phổ biến, tuyên truyền cho doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện điều tra PVTM do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, doanh nghiệp tham dự hội thảo cũng sẽ được các chuyên gia giới thiệu, hướng dẫn về quy tắc xuất xứ, nguồn gốc xuất xứ và thủ tục kê khai tờ khai C/O đối với hàng xuất khẩu. Nâng cao nhận thức về các biện pháp PVTM trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; nắm được tổng quan về các hiệp định thương mại tự do và các biện pháp PVTM; thực trạng việc áp dụng một số quy định pháp luật trong thực tiễn điều tra các vụ việc; ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp được củng cố, bổ sung những kiến thức về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các biện pháp PVTM, tận dụng các cơ hội, nắm bắt được cách thức xử lý khi gặp phải các vụ kiện PVTM, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và của các ngành sản xuất, xuất khẩu.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, xu thế sử dụng các biện pháp PVTM ngày càng gia tăng thì công tác cảnh báo sớm và tuyên truyền, thông tin về PVTM đóng vai trò hết sức quan trọng và cấp thiết. Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại đã, đang và sẽ iếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách của mình, tạo ra nhiều sản phẩm có tính hữu dụng và thiết thực cho người đọc và doanh nghiệp trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Chẳng hạn như xuất bản các ấn phẩm chuyên sâu về PVTM, cẩm nang hướng dẫn, thông tin về hệ thống PVTM, cập nhật tình trạng thực tiễn các biện pháp phòng vệ cả trên thế giới và Việt Nam; thực hiện các báo cáo chuyên đề về PVTM, đặc biệt là xây dựng báo cáo thường niên để người đọc có thể dễ dàng tìm được nội dung phù hợp đáp ứng nhu cầu kịp thời; khảo sát nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về pháp luật PVTM. Tính đến thời điểm hiện tại, trên cổng thông tin điện tử của Cục Phòng vệ thương mại đã đăng tải 30 ấn phẩm truyền thông về các nội dung liên quan tới PVTM.
Những nỗ lực của Cục PVTM nhằm thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại, đồng thời góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và của các ngành sản xuất, xuất khẩu./.