Chủ động ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài
(ĐCSVN) - Theo số liệu mới nhất của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), đến nay Việt Nam đã khởi xướng điều tra 55 vụ việc PVTM và đã áp dụng 43 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu. Trong đó, riêng năm 2024, Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục điều tra, rà soát 10 vụ việc đã khởi xướng, trong đó có 06 vụ việc rà soát cuối kỳ; khởi xướng điều tra 03 vụ việc mới.
Các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 1,5 nghìn tỷ mỗi năm |
Trong số 55 vụ việc điều tra áp dụng các biện pháp Phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, đang có 43 biện pháp PVTM có hiệu lực. Các biện pháp này đã góp phần bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và việc làm của hàng triệu lao động, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội, tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 1,5 nghìn tỷ mỗi năm.
Cũng theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại đã có 270 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (148 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (54 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (38 vụ việc) và chống trợ cấp (30 vụ việc).
Riêng năm 2024 ghi nhận dấu hiệu gia tăng đáng kể về số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, với 28 vụ việc phòng vệ thương mại bị nước ngoài khởi xướng điều tra mới phát sinh tại 12 thị trường, trong đó có tới 13 vụ việc từ thị trường Hoa Kỳ.
Trong tháng cuối năm, tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, các biện pháp phòng vệ thương mại dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, cùng với đó mức độ phức tạp và quy mô của các vụ việc cũng tăng lên, như đẩy mạnh áp dụng các quy định pháp luật mới nhằm tối đa hóa mức thuế; tăng cường việc áp dụng các quy định điều tra mới, chưa từng có tiền lệ; tiếp tục sửa đổi thêm các quy định về phòng vệ thương mại theo hướng bảo hộ và khó dự đoán hơn, đồng thời sử dụng những biện pháp phòng vệ thương mại phi truyền thống như tự vệ, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại,… để tăng cường bảo hộ.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ hiệu quả ngành hàng, doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm để giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài và chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực; xây dựng kế hoạch ứng phó, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài gây ra./.