Góp phần ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng hóa nhập khẩu đến sản xuất trong nước
(ĐCSVN) - Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phỏng vấn ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương về một số kết quả chủ yếu trong công tác năm 2024, định hướng công tác năm 2025.
Phóng viên: Đề nghị ông cho biết năm 2024, tình hình khởi kiện điều tra PVTM diễn biến như thế nào?
Ông: Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương: Năm 2024, bối cảnh khu vực và quốc tế đang diễn biến phức tạp, đi liền với xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực. Cùng với việc thực hiện các Hiệp định FTA thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu - nhập khẩu của nước ta đã, đang và sẽ tiếp tục gia tăng, đặt ra nhiều cơ hội và cả thách thức.
Tuy nhiên, trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM (PVTM) tiếp tục được Cục PVTM tăng cường đẩy mạnh, nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp các ngành sản xuất trong nước. Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 55 vụ việc PVTM và đã áp dụng 43 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu.
Về công tác khởi kiện, năm 2024, Cục PVTM tiếp tục điều tra, rà soát 10 vụ việc đã khởi xướng, trong đó có 06 vụ việc rà soát cuối kỳ; khởi xướng điều tra 03 vụ việc mới.
Trong số 55 vụ việc điều tra áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, đang có 43 biện pháp PVTM có hiệu lực. Các biện pháp này đã góp phần bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và việc làm của hàng triệu lao động, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội, tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 1,5 nghìn tỷ mỗi năm.
Phóng viên: Vâng! Đó là kết quả công tác khởi kiện. Vậy còn kết quả công tác kháng kiện thì sao? Thưa ông!
Ông: Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương: Thời gian qua và năm 2024, Cục PVTM tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp PVTM để ứng phó với các vụ việc PVTM do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, đã có 273 vụ việc điều tra PVTM từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (149 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (55 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp PVTM (39 vụ việc) và chống trợ cấp (30 vụ việc). Tính riêng năm 2024, số vụ việc PVTM là 29 đến từ 12 thị trường.
Cục PVTM đã cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM, chống lẩn tránh PVTM. Danh sách này cập nhật vào tháng cuối hàng quý gửi các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi. Công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực. Các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương (ngồi ngoài bên trái) tại Diễn đàn Phòng vệ thương mại lần thứ I với chủ đề: “Phòng vệ thương mại: Tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững” do Cục Phòng vệ thương mại tổ chức ngày 11/10/2024, tại TP. Hồ Chí Minh |
Năm 2024, trong số 29 vụ việc PVTM bị nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mới phát sinh của 12 thị trường, có tới 11 vụ việc từ thị trường Hoa Kỳ. Cục PVTM đã kịp thời hoàn tất điều tra một số vụ việc PVTM khởi xướng từ năm 2023 và rà soát việc áp dụng biện pháp PVTM đòi hỏi xử lý trong năm 2024. Cùng với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, Cục PVTM đã hỗ trợ cung cấp thông tin hướng dẫn trả lời bản câu hỏi; nghiên cứu lập luận tại các giai đoạn cụ thể của từng vụ việc; đồng thời, nghiên cứu các kết luận và gửi thư tham vấn với cơ quan điều tra nước ngoài.
Phóng viên: Ông có thể cho biết rõ hơn kết quả công tác hỗ trợ của Cục PVTM đối với một số vụ việc điều tra chống bán phá giá có kết luận sơ bộ/chính thức?
Ông: Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương: Năm 2024, công tác PVTM đã đạt được kết quả rất tích cực. Một số vụ việc điều tra chống bán phá giá có kết luận sơ bộ/chính thức, cụ thể như sau:
+ Xác định biên độ bán phá giá của các doanh nghiệp hợp tác là 0%, gồm có: (i) Vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm đĩa giấy; (ii) Vụ việc Ấn Độ điều tra chống bán phá giá đối với ống thép hàn không gỉ; (iii) Vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm pin năng lượng mặt trời. Duy trì kim ngạch xuất khẩu gần 200 triệu USD đối với các sản phẩm liên quan.
+ Không áp dụng biện pháp chống bán phá giá do không có thiệt hại của ngành sản xuất trong nước: Vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm (kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng hơn 300 triệu USD trong các năm gần đây).
Riêng về vụ việc điều tra chống trợ cấp năm 2024, nước ngoài đã khởi xướng điều tra 07 vụ việc đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Các vụ việc này yêu cầu có tham gia trả lời từ Chính phủ Việt Nam cùng việc phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong việc ứng phó và xử lý vụ việc. Đến nay, các vụ việc điều tra chống trợ cấp đều nhận được kết quả đáng ghi nhận. 03 vụ việc có kết luận sơ bộ hoặc kết luận cuối cùng đều xác định mức biên độ trợ cấp đối với doanh nghiệp bị đơn hợp tác là dưới 6% từ thị trường Hoa Kỳ đối với các sản phẩm: tôm nước ấm đông lạnh; đĩa giấy; và pin năng lượng mặt trời (kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng gần 5 tỷ USD).
Phóng viên: Tình hình công tác chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ thì như thế nào, thưa ông?
Ông: Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương: Bên cạnh số lượng lớn vụ việc nước ngoài điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, một số thị trường xuất khẩu lớn, trong đó có thị trường Hoa Kỳ cũng tăng cường các hoạt động điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM. Điển hình là số vụ việc liên quan đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin năng lượng mặt trời.
Trong chức trách của mình, Cục PVTM tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 824 (theo Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước và chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ”). Thực hiện đồng bộ các hoạt động nhằm thực hiện các nhiệm vụ được giao trong khuôn khổ Đề án 824 như: phối hợp với cơ quan điều tra nước ngoài làm rõ các cáo buộc lẩn tránh biện pháp PVTM; tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin nhằm chống lẩn tránh PVTM, gian lận xuất xứ; tuyên truyền, phổ biến nguy cơ tiềm ẩn và quyết tâm của Chính phủ trong việc chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp PVTM; đưa ra các giải pháp, phương án tư vấn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhằm tránh bị các nước khác điều tra PVTM, lẩn tránh biện pháp PVTM.
Phóng viên: Để bảo vệ một số ngành sản xuất trong nước thì công tác cảnh báo sớm có ý nghĩa quan trọng. Công tác này trong năm 2024 được triển khai ra sao và kết quả như thế nào, thưa ông?
Ông: Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương: Để giúp các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động đấu tranh chống lẩn tránh thông qua gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và hỗ trợ các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, Cục PVTM tiếp tục tăng cường triển khai Đề án 316 (theo Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01/3/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại của Thủ tướng Chính phủ).
(nguồn: https://vneconomy.vn) |
Hệ thống cảnh báo sớm giúp các hiệp hội nắm bắt được khả năng bị điều tra PVTM bởi nước ngoài, từ đó chủ động cân nhắc để điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình một cách hợp lý nhằm tránh giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp PVTM của nước ngoài gây ra. Thông qua công tác cảnh báo sớm, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã không bị động trong công tác ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài. Bộ Công Thương đã sớm tiếp cận với các hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.
Với nỗ lực ngăn ngừa sớm các vụ việc điều tra với hàng hóa xuất khẩu, Bộ Công Thương đã thường xuyên cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra, chống lẩn tránh PVTM. Ddanh sách cập nhật vào tháng cuối hàng quý gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi.
Bộ Công Thương đã theo dõi biến động xuất khẩu của hơn 50 mặt hàng nguy cơ cao bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM hoặc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và đưa ra danh sách cảnh báo gồm 17 mặt hàng trong số các mặt hàng đang theo dõi để các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể.
Công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực. Các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Phóng viên: Câu hỏi cuối cùng, đề nghị ông cho biết một số phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2025 của Cục PVTM?
Ông: Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương: Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, một số nhiệm vụ trọng tâm được Cục PVTM chú trọng thực hiện trong năm 2025 gồm: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về PVTM trên cơ sở nghiên cứu, báo cáo các thay đổi quy định pháp luật về PVTM của các nước, đặc biệt là các quy định có khả năng tác động nhiều tới Việt Nam để cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp. Nghiên cứu, thể chế hóa cơ chế hợp tác về PVTM với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; trao đổi với các đối tác thương mại quan trọng những nội dung hợp tác cụ thể để xử lý vấn đề trốn thuế, lẩn tránh biện pháp PVTM.
Cục cũng sẽ theo dõi sát diễn biến xu thế bảo hộ, xung đột thương mại giữa các nước để kiến nghị các biện pháp ứng phó kịp thời. Tiếp tục tập trung thực hiện các Đề án: (i) Đề án 824 Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ; chú trọng cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý, các hiệp hội doanh nghiệp; (ii) Đề án 316 Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM; (iii) Đề án 1659 Nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới; (iv) Đề án 1335 Thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc PVTM; Đề án tổng thể về việc đề nghị các nước công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc PVTM giai đoạn 2024 - 2030.
Bên cạnh đó, Cục tiếp tục triển khai các Chương trình quan trọng về PVTM như Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025. Tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Lồng ghép các nội dung về PVTM vào các chương trình, chiến lược, chính sách phát triển ngành để bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện các Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!