Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phòng vệ thương mại hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển bền vững

Thứ Ba, 24/12/2024 09:27 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Công tác phòng vệ thương mại đã và sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp các ngành sản xuất trong nước phát triển và tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho nền kinh tế.

Số liệu các vụ việc phòng vệ thương mại hướng đến Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2024 (nguồn: https://vneconomy.vn) 

Phòng vệ thương mại là các công cụ được Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước tình trạng nhập khẩu gia tăng gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Nói một cách dễ hiểu hơn thì phòng vệ thương mại là biện pháp được một quốc gia sử dụng để tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá nhập khẩu tăng nhanh đột biến, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Biện pháp tự vệ này chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật, Việt Nam có các biện pháp phòng vệ thương mại: Chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Nhấn mạnh vai trò của công tác phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, các công cụ phòng vệ thương mại được Việt Nam sử dụng hợp lý, theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Đến năm 2024, Việt Nam đã tiến hành 55 cuộc điều tra PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, đang có 43 biện pháp PVTM có hiệu lực. Các biện pháp này đã góp phần bảo đảm môi trường thương mại công bằng, nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và việc làm của hàng triệu lao động, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội, tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 1,5 nghìn tỷ mỗi năm.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại phát biểu tại Diễn đàn Phòng vệ thương mại lần thứ I với chủ đề: “Phòng vệ thương mại: Tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững” do Cục Phòng vệ thương mại tổ chức ngày 11/10/2024, tại TP. Hồ Chí Minh

Những tác động tích cực của phòng vệ thương mại đối với sản xuất trong nước thể hiện rõ nét qua hoạt động của một số ngành sản xuất quan trọng, ví dụ như mía đường và thép. 4 năm trước, vào năm 2020, Việt Nam bắt đầu thực thi cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN ATIGA đối với sản phẩm mía đường với mức thuế nhập khẩu 5% từ các nước ASEAN. Kể từ đó, đường nhập khẩu từ Thái Lan với khối lượng lớn và giá rẻ ồ ạt tràn vào Việt Nam. Lượng đường này gấp đôi lượng đường trong nước sản xuất vào vụ ép trước đó, lượng thì lớn mà giá rất rẻ, chỉ xấp xỉ giá các nhà máy mua mía. Do vậy, đường nhập khẩu hoàn toàn làm chủ thị trường và dìm giá đường trong nước xuống rất thấp. Hàng chục nhà máy đường do không thể cạnh tranh với đường nhập khẩu đã lâm vào cảnh thua lỗ phải đóng cửa, hàng nghìn công nhân mất việc làm, hàng vạn hộ dân trồng mía rơi vào khó khăn do bí đầu ra...

Trước tình hình đó, 6 nhà máy đường với đại diện là Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan.

Sau quá trình điều tra kỹ, tháng 6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng thuế phòng vệ thương mại 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Chia sẻ thông tin tại Diễn đàn Phòng vệ thương mại lần thứ I với chủ đề: “Phòng vệ thương mại: Tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững” do Cục Phòng vệ thương mại tổ chức ngày 11/10/2024, tại TP. Hồ Chí Minh (Diễn đàn), ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho biết, kể từ khi thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng với đường nhập khẩu từ Thái Lan, sản lượng đường sản xuất trong nước đã tăng từ xấp xỉ 700.000 tấn niên vụ 2020 - 2021 lên gần 1,2 triệu tấn niên vụ 2023 - đến tháng 9 năm 2024, tức là tăng 161%. Doanh thu của các nhà máy đường đã tăng gấp đôi trong cùng giai đoạn.

Tác động của biện pháp phòng vệ thương mại không chỉ giới hạn ở kết quả hoạt động kinh doanh của các nhà máy đường, mà còn thể hiện qua sự cải thiện thu nhập của người nông dân trồng mía. Giá mua mía trung bình đã tăng từ 850.000 đồng/tấn niên vụ 2020-2021 lên xấp xỉ 1,2 triệu đồng/tấn niên vụ 2023 - 2024, tăng 152%. Người nông dân đã yên tâm gắn bó hơn với cây mía, diện tích trồng mía tiếp tục được mở rộng.

ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía Đường Việt Nam và ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cùng các diễn giả tham gia trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn Phòng vệ thương mại lần thứ I với chủ đề: “Phòng vệ thương mại: Tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững” do Cục Phòng vệ thương mại tổ chức ngày 11/10/2024, tại TP. Hồ Chí Minh

Tương tự, đối với ngành sản xuất thép, cũng tại Diễn đàn, theo phân tích của ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam: Do thép là ngành công nghiệp xương sống, có tính cạnh tranh cao giữa các quốc gia, nhưng luôn có tình trạng dư cung trên toàn cầu, nên dễ xảy ra hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá để giải quyết lượng tồn kho, đặc biệt trong những giai đoạn mà thị trường tại nước xuất khẩu gặp khó khăn. Vì thế, thép là một trong những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Tuy vậy, nhờ có các biện pháp PVTM, ngành thép Việt Nam đã có cơ hội phát triển, đủ sức cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu trên thị trường trong nước. Đồng thời, xây dựng được chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ thép cán nóng, thép cán nguội, thép mạ, đủ năng lực để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác.

Đối với các ngành hàng xuất khẩu, việc xử lý thỏa đáng các vụ việc điều tra PVTM đã giúp các doanh nghiệp tận dụng và giữ vững được những kết quả do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đem lại. Đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 273 vụ việc điều tra PVTM từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (149 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (55 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp PVTM (39 vụ việc) và chống trợ cấp (30 vụ việc). Tính riêng năm 2024, số vụ việc PVTM là 29 đến từ 12 thị trường.

Tuy số lượng các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng lên nhưng nhờ có sự chủ động của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, nhiều vụ việc đã đạt được kết quả tương đối tích cực như doanh nghiệp không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, từ đó tiếp tục giữ được thị trường xuất khẩu.

Tại Diễn đàn Phòng vệ thương mại lần thứ nhất với chủ đề: “Phòng vệ thương mại: Tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững” tổ chức tháng 10/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trịnh Anh Tuấn - Cục tưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương khẳng định, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Công Thương, công tác PVTM sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp các ngành sản xuất trong nước phát triển và tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho nền kinh tế. Các cuộc điều tra PVTM đối với hàng nhập khẩu sẽ được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, minh bạch theo đúng các quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Cục Phòng vệ thương mại cũng sẽ đồng hành với các doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển bền vững trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng, từ đó đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, đồng thời đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế và tăng cường năng lực của đội ngũ doanh nhân trong nước. Việc xử lý một cách phù hợp các cuộc điều tra PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng giúp cho nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp tránh được rủi ro và tác động tiêu cực của các biện pháp PVTM mà thị trường xuất khẩu áp dụng, từ đó giúp các doanh nghiệp giữ được thị trường và ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu - ông Trịnh Anh Tuấn nói./.

Trí Dũng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN