Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng cường giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Thứ Ba, 14/05/2024 16:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, ngay từ đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt về tăng cường các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nên số tuyệt đối giải ngân đầu tư công 3 tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ năm 2023.

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (Ảnh: MPI)

Nhấn mạnh đầu tư là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, trong đầu tư, chúng ta luôn quan tâm đến khía cạnh đầu tư công, bởi đây là phần chi tiêu của Chính phủ, có thể chủ động về mặt chính sách để thúc đẩy tăng trưởng. Đầu tư công cũng có tác động lan tỏa tới sự phát triển của các lĩnh vực khác trong ngành kinh tế. “Những năm vừa qua, đầu tư công được Chính phủ rất quan tâm và đã có những hành động cụ thể trong chỉ đạo điều hành thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả cho thấy tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công liên tục được cải thiện. Cụ thể, năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công rất lớn, đạt gần 95%. Đây là con số ấn tượng so với mục tiêu đã đề ra” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bước sang năm 2024, yêu cầu về các động lực thúc đẩy tăng trưởng tăng mạnh hơn, nhanh hơn, trong đó có đầu tư công. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt về tăng cường các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả, 3 tháng đầu năm, nước ta đã giải ngân được một lượng vốn khá lớn, hơn 80.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 13,7%, cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối và số tuyệt đối.

Thứ trưởng chỉ rõ, năm 2023 là năm có lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, sang năm 2024, do kết thúc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nên lượng vốn để giải ngân thấp hơn khoảng gần 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở 3 tháng đầu năm 2024, số tuyệt đối giải ngân đầu tư công lại cao hơn cùng kỳ năm 2023. Có được kết quả này là nhờ các giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra phát huy hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Các giải pháp, về cơ bản là toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, có rất nhiều cải cách, đổi mới, nhất là có những cơ chế mới, cơ chế đặc thù, trình các cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội ban hành, để áp dụng cho các dự án quy mô lớn, dự án quan trọng. Thêm vào đó, các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành mà Chính phủ áp dụng và triển khai hết sức quyết liệt. Từ 5 tổ công tác đôn đốc giải ngân đã trở thành 26 tổ, do các đồng chí Bộ trưởng, thành viên Chính phủ làm Tổ trưởng, đôn đốc tất cả các giải pháp, trong đó có đầu tư công. Ngoài ra, có rất nhiều nghị quyết, chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp trong chỉ đạo điều hành. Các đơn vị tổ chức, các bộ, ngành, địa phương cũng đều rất tự giác, quyết liệt trong tổ chức triển khai thi công các công trình, làm gia tăng mức giải ngân đầu tư công. Cuối cùng là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, Trung ương với địa phương trong việc xử lý tình huống phát sinh khi thực hiện.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý, trong các báo cáo trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn tổng kết nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra để có những hành động, những giải pháp trong thời gian tới. Rõ ràng, trong giải ngân vốn đầu tư công, chúng ta có rất nhiều bài học kinh nghiệm để có thể phát huy trong thời gian tới. Thứ trưởng cho rằng 4 giải pháp vừa điểm qua, trong năm 2024, cần nhấn mạnh và nâng tầm nó lên cao hơn, hiệu quả hơn, để có thể phấn đấu đạt các mục tiêu đã đề ra như giải ngân hơn 95% tổng vốn đầu tư công năm nay. Để đạt được mục tiêu đã đề ra 95%, chúng ta cũng đều hiểu rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn, không hề đơn giản. Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm, nhưng để đạt được mục tiêu giải ngân hết được vốn đầu tư công thì ngoài 4 giải pháp đã thực hiện và cần phát huy tốt hơn thì phải nhấn mạnh thêm một giải pháp nữa là xử lý các tình huống phát sinh đối với các dự án, đặc biệt là các dự án lớn.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ rõ, hiện nay, Quốc hội đã có đoàn giám sát tối cao về tình hình triển khai các dự án quan trọng của quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, đây là những dự án quy mô rất lớn, lượng vốn đầu tư đổ vào rất nhiều. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, không tránh khỏi những tình huống phát sinh từ khâu giải phóng mặt bằng, va chạm trong các bước thủ tục đền bù cho người dân… Chỉ cần vướng một vài hộ gia đình là có thể ảnh hưởng đến tiến độ của cả một dự án. Hay các điều chỉnh phát sinh, ví dụ như trong khảo sát thăm dò, thiết kế dự án phát sinh... những yếu tố mà mà khi phê duyệt dự án chưa có được các thông số.

Tất cả các tình huống phát sinh như vậy cần phải giải quyết nhanh, bởi nếu không thì dự án sẽ bị đình trệ, không liên tục, bị ngắt quãng và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Ở đây, chúng ta cũng không thể lường trước được tình huống của mỗi một dự án, nhưng tinh thần chung là đối với các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án là phải hết sức nhạy bén và linh hoạt trong các tình huống. Như vậy mới có thể đảm bảo được tiến độ.

Vốn đầu tư công phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh chụp màn hình) 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng lưu ý là cuối năm có thể thiếu vốn. Đây cũng là tình huống mà vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo với Thủ tướng về khả năng dự báo năm nay và năm 2025 đối với việc lượng vốn thực tế có thể giải ngân được so với tổng hạn mức của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo ước tính, năm nay, chúng ta có thể thiếu hơn 100.000 tỷ đồng.

Trong tình huống thiếu vốn có thể xảy ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nghiên cứu và dự kiến một giải pháp là điều chỉnh hài hoà kế hoạch đầu tư công, bởi luôn luôn có tình trạng có nơi thiếu và có nơi thừa và rõ ràng nơi thừa phải điều chuyển đến nơi thiếu để làm sao chúng ta có thể giải ngân hết được nguồn tiền, không được ôm tiền, không được giữ tiền mà không làm gì cả. “Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải từ sớm từ xa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng chủ trương rà soát kế hoạch 2024 ngay từ bây giờ để phát hiện sớm những nơi thấy thừa, kịp thời ghi nhận tổng hợp lại. Sau đó, đến khi nào phát hiện có nơi nào thiếu thì sẵn sàng khoản vốn dư để điều chuyển giải ngân. “Tôi cho rằng phần vốn thừa chưa hẳn nhiều nhưng chủ yếu tập trung vào khoản vốn chưa phân bổ. Có những nơi chưa phân bổ hết thì phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao. Nếu như không phân bổ được thì phải điều chuyển đến nơi khác, đây là câu chuyện điều hành kế hoạch và năm nay sẽ là năm điều chỉnh kế hoạch rất nhiều lần, để đảm bảo tiền được chuyển đi chuyển lại từ nơi thừa sang nơi thiếu thật điều hòa” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương phân tích./.

Hà Anh (lược ghi)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN