Nghe theo FULRO, đòi thành lập “Nhà nước Đề-ga” là hại nước, hại thân
(ĐCSVN) - Cuộc sống ngày càng ổn định đã giúp những người từng lầm lỗi theo FULRO, tin vào tổ chức phản động tự xưng đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề-ga tự trị” ở Tây Nguyên hiểu ra rằng chỉ có Đảng, Nhà nước Việt Nam mới hết lòng chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng.
Ông Y Bome kể câu chuyện buồn của đời mình với các phóng viên, nhà báo (ảnh: Thu Huyền) |
Những hành trình lầm lỗi
Ở Gia Lai nói riêng và cả vùng Tây Nguyên, cái tên Y Bome (người dân tộc Ba Na), còn có các biệt danh khác là Zana, Ama H'Bun, Y Băm, Yo, trú tại làng Ring Rai, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa được cả lực lượng chức năng và người dân nắm rõ. Người đàn ông sinh năm 1956 này từng được các thế lực phản động phong là “Tỉnh trưởng Gia Lai” trong cái gọi là “Nhà nước Đề-ga tự trị”.
Gặp chúng tôi, ông hơi ngại ngùng nhưng rồi cũng kể lại quãng thời gian lầm lỗi trong cuộc đời. Năm 1975 - 1976, ông Y Bome đi theo FULRO III. Sau đó, Y Bome bị bắt, đưa đi cải tạo tại huyện Mang Yang, rồi chuyển qua một số trại khác. Năm 1978 - 1991, Y Bome trốn trại và tiếp tục hoạt động FULRO trong rừng. Từ 1991 - 2000, là Đại uý, Tham mưu trưởng Quân khu I, FULRO III. Đến tháng 7/1991 thì bị bắt lại.
Câu chuyện giữa ông Y Bome và chúng tôi nhiều lần phải dừng lại hồi lâu vì những lắng đọng, xúc cảm, hồi tưởng, xót xa về quãng thời gian nhọc nhằn, lầm lỗi, mất mát, đau xót mà ông đã trải qua... |
Chia sẻ với chúng tôi về những ngày tháng theo FULRO, Y Bome khẳng định đó là thời kỳ tệ hại nhất trong cuộc đời, vì phải sống trong rừng rú, ăn những thứ mà con người không thể ăn được, phó thác sự sống cho trời, phải đi kiếm thức ăn nuôi những kẻ trên mình, hạnh phúc riêng cũng mất vì bị vợ bỏ. Thực tế nghiệt ngã đó và qua cải tạo đã khiến Y Bome bừng tỉnh, hợp tác cung cấp nhiều thông tin quan trọng liên quan đến hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc của FULRO và các thế lực thù địch, đồng thời có nhiều đóng góp để các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai, vào năm 1991, giải quyết toàn bộ các toán FULRO còn lại.
Tuy nhiên, tháng 6/2000, khi đối tượng Kpăh H'Ty (Việt kiều Mỹ) móc nối, chuyển tài liệu của Ksor Kơk - người thay thế Bhăm Ênnuôi (Chủ tịch FULRO), cả tin nghe theo lời của chúng là tổ chức này thành lập không nhằm lật đổ chính quyền mà chỉ đấu tranh đòi quyền lợi cho người Thượng ở Tây Nguyên được đi học, được chia đất sản xuất… nên một lần nữa Y Bome lại đi theo FULRO. Y Bome tích cực tuyên truyền cho việc xây dựng tổ chức FULRO IV ở Gia Lai, Kon Tum. Theo sự chỉ đạo của Ksor Kơk, Y Bome tổ chức buổi lễ ra mắt tổ chức FULRO ở Gia Lai, vào ngày 22/9/2000, ở làng Phung I, Biển Hồ, Pleiku, Gia Lai; thành lập bộ khung của cái gọi là “Nhà nước Đề-ga”, “Tin lành Đề-ga” ở Gia Lai, Kon Tum; chỉ đạo cho các đối tượng cốt cán tuyên truyền, lôi kéo người tham gia FULRO, thu thập các tài liệu gửi sang Mỹ cho FULRO lưu vong; tổ chức chỉ đạo cuộc biểu tình của FULRO ngày 2/2/2001 tại Pleiku, Gia Lai.
Là người có khả năng lôi kéo, thuyết phục và tổ chức, nên năm 2000, Y Bome được FULRO lưu vong giao làm đặc phái viên ở Tây Nguyên và trực tiếp làm “Tỉnh trưởng tỉnh Pleiku”. Ngày 6/2/2001, Y Bome bị bắt vì tội gây rối an ninh, chịu án phạt tù 12 năm. Chấp hành án tại trại giam số 5, Thanh Hóa, Y Bome được giảm án 5 lần, thời gian giảm án tổng cộng 11 tháng, tới ngày 6/3/2012, chấp hành án xong, trở về địa phương.
Trở về với chính nghĩa
Hơn chục năm trôi qua kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù đã giúp Y Bome hiểu ra sai lầm lớn nhất của cuộc đời ông là nghe lời dụ dỗ, lôi kéo tham gia đòi thành lập nhà nước riêng, ngộ nhận đó là con đường mang đến no ấm cho buôn làng. Tham gia rồi mới thấy không phải như bọn phản động FULRO lưu vong nói, mà hóa ra toàn xúi bẩy dân bạo loạn, biểu tình đòi quyền tự trị.
Hết thời gian chấp hành cải tạo bị phạt tù, trở về địa phương, ông Y Bome thường xuyên được cấp uỷ, chính quyền, các lượng lực chức năng đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất |
Ông Y Bome sớm nhận thấy: “Bà con khâu quần áo còn chưa được, huống chi tự trị, lại càng không thể thoát ly thành nhà nước riêng” nên không nghe theo luận điệu lừa bịp của Ksor Kơk và tổ chức phản động tự xưng là “Nhà nước Đề-ga” hay “Tin lành Đề-ga” đòi ly khai, tách Tây Nguyên khỏi nhà nước Việt Nam. Ông hiểu ra rằng các luận điệu kiểu như: Nhà nước Việt Nam không quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, người Kinh chèn ép người dân tộc thiểu số… chỉ nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc. Những kẻ thù địch ở nước ngoài đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào, đưa tiền cho một số kẻ móc nối, xúi giục bà con biểu tình, bạo loạn. Rốt cuộc, nhiều người phải đi tù vì tin lời của chúng.
Khi Y Bome ra tù vào năm 2012, bấy giờ ông Đinh Ơng là Chủ tịch UBND xã Hà Bầu (hiện là Chủ tịch MTTQ huyện Đăk Đoa) đã giúp ông làm lại cuộc đời. Chính quyền hỗ trợ cho con cái ông ăn học bằng cách giúp vay tiền ngân hàng. Bản thân ông được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 100 triệu để trồng cà phê, nuôi bò, chăn vịt, nuôi cá. Cuộc sống ngày càng ổn định và chính những thay đổi đó đã giúp ông hiểu ra rằng chỉ có Đảng, Nhà nước Việt Nam mới hết lòng chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng.
Ở huyện Đak Đoa, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 58%, đại đa số sống bằng nghề nông nhưng hiện nay, đều đã có cuộc sống dần ổn định, định canh định cư thành những buôn làng đạt 100% số hộ. Toàn bộ xã, thị trấn trong huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã đầu tư điện, đường, trường, trạm đến tận các xã vùng sâu, vùng xa. Toàn bộ các hộ nghèo, cận nghèo đều được hỗ trợ bò giống sinh sản để phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Kể cả những người có quá khứ lầm lỡ như ông Y Bome, sau khi về sinh sống tại địa phương, cũng đã được Công an huyện chủ động tiếp xúc, tham mưu chính quyền tạo điều kiện để phát triển kinh tế như đưa vào diện hộ nghèo, được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…
Giờ thì Y Bome đã trở thành một người có vai trò khá quan trọng trong công tác vận động, tuyên truyền các thế hệ con cháu đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không nghe theo luận điệu của kẻ xấu, mà cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. |
Đời sống thay đổi nên nhận thức thay đổi. Ông Y Bome thấy may mắn vì được Nhà nước Việt Nam khoan hồng, được đảm bảo quyền sống, yên tâm làm ăn để nuôi sống bản thân và gia đình, con cháu được ăn học đàng hoàng... “Giờ chỉ mong đất nước luôn phát triển, trở thành một cường quốc ở Châu Á, thu hút được nhiều nhà đầu tư mang tiền tới làm ăn một cách hoà bình để tạo công ăn việc làm cho bà con ở Tây Nguyên” - ông Y Bome ao ước.
Trải qua bao cuộc bể dâu, ông cũng chắc nịch khẳng định rằng các hành động chống phá của các thế lực thù địch sẽ chỉ thất bại, bởi Nhà nước Việt Nam có chính quyền vững mạnh, có lực lượng vũ trang vững mạnh. Quan trọng là bà con tin tưởng và dựa vào sức mạnh của chính quyền, vì nhờ có chính quyền mà bà con có hoà bình, được ổn định cuộc sống và có điều kiện phát triển.
Chia tay chúng tôi, ông Y Bome không quên nhờ các phương tiện truyền thông lan tỏa câu chuyện cuộc đời mình kèm lời nhắn nhủ với những ai đang còn mơ hồ nghe theo lời dụ dỗ về thành lập “Nhà nước Đề-ga”, nghe và tin vào cái gọi là FULRO và đi theo "Tin lành Đề-ga"... thì hãy nhờ rằng: “Những lời nói xằng bậy đó chỉ làm cho mọi người đi vào con đường hại nước, hại dân, hại mình và tù tội mà thôi”./.