Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tạo sự thống nhất trong quản lý, triển khai và sử dụng chữ ký số

Thứ Sáu, 29/11/2024 17:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Qua hội nghị ,các cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ cùng nhau thống nhất cách thức quản lý, triển khai và sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ, để đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, phục vụ cải cách hành chính và chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước...

Ngày 29/11, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 68/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 của Chính phủ quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Đăng Lực Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ và hơn 6.000 đai biểu đại diện các cơ quan Đảng thuộc tỉnh, thành ủy; các Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy; các Sở/Ban/Ngành, Quận/Huyện/Thị trên phạm vi toàn quốc; các cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin của các Bộ, ngành Trung ương; các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ và các đại biểu ngành Cơ yếu Việt Nam.
 Các đại biểu dự trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: HNV)

Hội nghị tập trung tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 68/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 của Chính phủ quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ tạo sự thống nhất trong quản lý, triển khai và sử dụng trong thời gian tới, nhằm tăng cường triển khai, áp dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính.

Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục tin tưởng rằng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, bộ, ngành, địa phương, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ luôn chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ cấu tổ chức, phát triển công nghệ, kỹ thuật nhằm thúc đẩy triển khai chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phục vụ cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng, Nhà nước phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

 Phó Trưởng Ban Cơ yễu Chính phủ Nguyễn Đăng Lực phát biểu khai mạc (Ảnh: HNV)

Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ Nguyễn Đăng Lực khẳng định, để triển khai thống nhất, hiệu quả nghị định số 68, ban cơ yếu chính phủ tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với trên 6.300 đại biểu đến từ các cơ quan trung ương, bộ, ngành địa phương trên phạm vi cả nước. Qua hội nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ cùng nhau thống nhất cách thức quản lý, triển khai và sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ, để đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, phục vụ cải cách hành chính và chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được thông tin, tuyên truyền các nội dung quan trọng của Nghị định 68 quy định chi tiết về dịch vụ chữ ký số chuyên dùng công vụ; việc cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ, chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Qua đó nhằm tạo sự thống nhất trong quản lý, triển khai và sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ trong thời gian tới; thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ số và chuyển đổi số quốc gia. Đây là bước tiến quan trọng để các cơ quan Đảng và Nhà nước đồng bộ hóa quy trình quản lý, khai thác hiệu quả tiềm năng công nghệ số, từ đó thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Nghị định 68 có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.

 Đại biểu diễn giả và Ban tổ chức tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: HNV)

Một số điểm mới được thông tin đến gồm: tên gọi của Nghị định, cụm từ “chữ ký số chuyên dùng Chính phủ” sử dụng tại Nghị định 130/2018/NĐ-CP của Chính phủ được thay bằng cụm từ “chữ ký số chuyên dùng công vụ”. Nghị định đã quy định cụ thể hơn về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; quy định gửi, nhận hồ sơ yêu cầu chứng thực trên môi trường mạng bảo đảm khách quan, minh bạch trong quản lý, triển khai; mở rộng giải pháp lưu khóa bí mật của thuê bao; đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; rút ngắn tối đa quy trình cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ theo hướng cán bộ, công chức, viên chức không phải làm văn bản đề nghị cấp chứng thư chữ ký số cho cá nhân.

Ngoài ra, nghị định cũng bổ sung quy trình cung cấp dịch vụ chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ phát hành, kiểm tra hộ chiếu và thẻ căn cước có gắn chíp điện tử; bổ sung một số mô hình, công nghệ ký số mới (giải pháp ký số tập trung) cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Đồng thời quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh hoạt động phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ban, ngành, địa phương chủ động trong tổ chức triển khai thực hiện.../.

Lê Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN