Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
(ĐCSVN) - Chương trình “Đêm Trúc Bạch” đưa du khách trải nghiệm không gian Hà Nội thời bao cấp để nhớ lại ký ức về cuộc sống gian khó của người Hà Nội một thời.
Tối 29/11, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Ba Đình tổ chức loạt hoạt động quảng bá du lịch đêm Hà Nội 2024 với chủ đề “Đêm Trúc Bạch” và Lễ công bố, trao quyết định công nhận điểm du lịch cấp thành phố và nghề truyền thống tại quận Ba Đình, khai trương sản phẩm du lịch Tuyến tàu điện số 6 tại Đảo Ngọc Ngũ Xã.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang nhấn mạnh: Thủ đô Hà Nội không chỉ nổi tiếng với những công trình hiện đại mà còn là nơi bảo tồn hàng trăm di tích lịch sử, các quần thể kiến trúc cổ, hệ thống hồ nước, cây xanh. Bên cạnh những công trình văn hóa vật thể, Hà Nội còn có rất nhiều các giá trị văn hóa phi vật thể như truyền thống nghệ thuật, lễ hội và lối sống thanh lịch của người Tràng An.
Khai trương sản phẩm du lịch "Đêm Trúc Bạch" và Tuyến tàu điện số 6 tại Đảo Ngọc Ngũ Xã. |
Thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, ngành Du lịch Thủ đô đã công bố 20 sản phẩm du lịch đêm độc đáo. Việc này nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm, phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao.
Chương trình quảng bá du lịch “Đêm Trúc Bạch 2024” có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục những nỗ lực và vai trò của Thành phố đối với việc tập trung phát triển kinh tế đêm thông qua các sản phẩm du lịch, nhằm khai thác tiềm năng của Thủ đô một cách toàn diện và bền vững.
Trao Quyết định công nhận 3 điểm du lịch: Di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục và đảo Ngọc - Trúc Bạch, quận Ba Đình và 2 nghề truyền thống của quận Ba Đình. |
Chương trình “Đêm Trúc Bạch” đưa du khách trải nghiệm không gian Hà Nội thời bao cấp để nhớ lại ký ức về cuộc sống gian khó của người Hà Nội một thời. Lần đầu tiên tại Hà Nội, toàn bộ không gian sự kiện được thiết lập như một phim trường với bối cảnh là một khu phố với các toa tàu điện, các cửa hàng bách hoá… giúp du khách như được quay trở lại với ký ức của một trong những thời kỳ đặc biệt của đất nước.
Du khách cũng được chiêm ngưỡng cảnh đẹp tại một số địa điểm tham quan như: Đền Thủy Trung Tiên, hồ Trúc Bạch, Đảo Ngọc Ngũ Xã; check-in, chụp ảnh tại các khu vực trang trí cộng hưởng, kết nối các điểm trong khu vực tuyến phố; tổ chức workshop trải nghiệm theo chủ đề như: Trang trí tem phiếu bao cấp, trò chơi ghép hình, cho thuê trang phục, chụp ảnh theo chủ đề…Ngoài ra, các gian hàng bao cấp thiết kế đặc biệt theo các chủ đề khác nhau, trong đó có sử dụng hệ thống âm thanh và ánh sáng trang trí cộng hưởng để du khách tham quan và trải nghiệm.
Điểm nhấn của sự kiện là việc khai trương sản phẩm du lịch "Tuyến tàu điện số 6" tại Đảo Ngọc Ngũ Xã - nơi được xem như một viên ngọc quý giữa lòng Hà Nội. Lần đầu tiên tại Hà Nội, toàn bộ không gian sự kiện được thiết kế như một phim trường với bối cảnh khu phố thời bao cấp, các toa tàu điện, cửa hàng bách hóa. Tại đây, hình ảnh nếp sống, văn hóa Hà Nội thời bao cấp được tái hiện thông qua mô hình "Bảo tàng đường phố Hà Nội". Ban Tổ chức sẽ tổ chức các hoạt động trải nghiệm tương tác cộng đồng theo các chủ đề khác nhau trên 4 toa xe thuộc Tuyến tàu điện số 6. Mỗi toa tàu điện sẽ mang một chủ đề ẩm thực đặc trưng của Hà Nội và Việt Nam như: lúa - thóc - gạo, phở - bún - sợi, bếp - chạn - mâm… Các toa xe như tạo thành những chuyến tàu chuyên chở di sản, "bảo tàng mini" về văn hóa, ẩm thực.
Du khách trải nghiệm không gian Hà Nội thời bao cấp. |
Bên cạnh đó còn có hoạt động tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm rang cà phê củi; làm túi thơm cà phê, mô hình món ăn siêu nhỏ, tò he… xuyên suốt những ngày diễn ra sự kiện.
Chuỗi hoạt động trải nghiệm tương tác cộng đồng có sự tham gia của nhiều khách mời như: Nhà nghiên cứu và sản xuất Trà Shan tuyết cổ thụ Từ Quốc An; Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Phương Hải; Nhà báo Nguyễn Đình; Nhà báo Vĩnh Quyên; Nhà báo Nguyễn Lưu; Nhà văn Trung Sỹ; Nhà văn Lê Phương Liên; Người con làng cốm Mễ Trì - chị Lý; Thương hiệu cà phê Refined; Thương hiệu Phở Thìn Bờ Hồ; Thương hiệu Phở cuốn Hương Mai...
Đến với "Đêm Trúc Bạch", người dân và du khách có dịp tham quan không gian Hà Nội xưa với những cây cột điện có tuổi đời trên 100 năm, máy nước công cộng, bảng tin tổ dân phố, với các ngành nghề kinh tế đường phố thời bao cấp và phương tiện đi lại của người Hà Nội xưa… tái hiện đám cưới thời bao cấp; lễ hội âm nhạc ẩm thực Phố bia thời bao cấp...
Cùng với đó, chương trình còn có các hoạt động nghệ thuật với các vở diễn, chương trình ca nhạc với chủ đề “bao cấp” tại khu vực sân khấu chính; tái hiện đám cưới thời bao cấp; lễ hội âm nhạc ẩm thực Phố bia thời bao cấp.
Trong khuôn khổ sự kiện, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công bố quyết định công nhận 3 điểm du lịch cấp Thành phố đầu tiên của quận Ba Đình gồm: Di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục - hai trong "Thăng Long tứ trấn" xưa và Đảo Ngọc - Trúc Bạch. Đồng thời công nhận 2 nghề truyền thống Hà Nội là nghề đúc đồng Ngũ Xã và nghề sản xuất sản phẩm từ cốm Hàng Than./.