Cơ đồ, vị thế đất nước hôm nay
(ĐCSVN) - Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nhà nước mới ra đời với lời mở đầu có câu: “Nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại”. Sau 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 80 năm thành lập chính thể Dân chủ cộng hoà, gần 40 năm đổi mới đất nước, Việt Nam đã tiến những bước tiến dài trên con đường phồn vinh, hạnh phúc.
Việt Nam là một dân tộc có bề dày và chiều sâu văn hoá. Từ xa xưa, cha ông chúng ta đã xây dựng nên một đất nước hùng cường với những giá trị văn hoá đặc sắc. Chúng ta tự hào với những “Nam Quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt với lòng tự hào dân tộc “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận ở sách trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. Chúng ta tự hào với thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo”: “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Tự hào với tuyên bố của Quang Trung – Nguyễn Huệ: “Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho nó trích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Tự hào với tuyên ngôn bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”…
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập . (Ảnh tư liệu Tạp chí Cộng sản) |
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, các thế hệ người Việt Nam đã không quản ngại hy sinh đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ giống nòi và nền văn hoá của dân tộc. Sau khi thống nhất năm 1975, đất nước ta bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn bởi những lúng túng trong điều hành đất nước sau chiến tranh. Cơ chế quản lý kinh tế bộc lộ những bất cập, quan hệ sản xuất có dấu hiệu của sự khủng hoảng. Về mặt xa hội, chiến tranh đã làm xáo trộn và gây tổn thất lớn cho lực lượng lao động, để lại hậu quả rất nặng nề và kéo dài. Đại hội VI của Đảng mở đầu cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Hàng loạt các chủ trương, chính sách mới được ban hành để gỡ thế khó cho sản xuất, kinh doanh. Với những chủ trương đúng đắn, chỉ chưa đầy 2 năm sau, năm 1988, nền kinh tế đất nước bắt đầu xuất hiện những thành quả thấy rõ, lạm phát và tốc độ tăng giá đã giảm, đời sống của nhân dân bắt đầu được cải thiện. Đặc biệt, khoán 10 đã thực sự đi nhanh vào cuộc sống đã giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất trong nông nghiệp. Chỉ sau một năm khi thực hiện khoán 10, Việt Nam không chỉ sản xuất lương thực đủ cho nhu cầu trong nước mà còn xuất được hơn 1 triệu tấn gạo vào năm 1989…
Nhìn lại lịch sử và chặng đường phát triển đã qua, chúng ta có thể tự hào rằng, dân tộc ta, đất nước ta đã "tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại" (lời nói đầu của Hiến Pháp năm 1946) với những bước tiến dài. Đảng Cộng sản Việt Nam từ chỗ là một chính đảng bị thực dân Pháp đàn áp dã man, khốc liệt với rất nhiều các đồng chí kiên trung của Đảng bị giết hại đã chính thức trở thành Đảng cầm quyền từ năm 1945. Điều đặc biệt là cả 4 đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đều còn rất trẻ: Trần Phú 26 tuổi, Lê Hồng Phong 33 tuổi, Hà Huy Tập 30 tuổi, Nguyễn Văn Cừ 26 tuổi. Tất cả 4 Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đều là những trí thức. Cả 4 người đều hi sinh, trong đó 2 người mất khi đang bị giam giữ và 2 người bị thực dân Pháp tử hình. Từ một đảng khi làm cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 mới chỉ có 5 nghìn đảng viên, đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam đã có hàng triệu đảng viên. Từ một đảng sau năm 1945 đã có lúc phải thực hiện sách lược tự tuyên bố giải tán, đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là một chính đảng lãnh đạo toàn diện đất nước gần 100 triệu người. Từ một đảng ở một nước thuộc địa nhỏ bé, năm 2015, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được lời mời trân trọng từ chính phủ Mỹ, Tổng thống Mỹ đã đón tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với nghi thức cao nhất dành đón nguyên thủ quốc gia, một việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử mấy trăm năm của nước Mỹ. Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là sự quan tâm của Nhân dân trong nước mà còn nhận được nhiều sự quan tâm, chúc mừng từ quốc tế. Nếu như Đại hội lần thứ XII đầu năm 2016, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được 248 điện, thư chúc mừng của các chính đảng, các tổ chức và bạn bè quốc tế từ khắp các châu lục thì đến Đại hội lần thứ XIII đã nhận được 368 thư điện chúc mừng, trong đó có điện mừng của 167 chính Đảng Việt Nam có quan hệ. Đại hội XIII của Đảng cũng là đại hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được nhiều nhất điện, thư chúc mừng so với các kỳ đại hội trước đó. Điều này không chỉ cho thấy tình cảm sâu sắc của bạn bè quốc tế đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, đối với Nhà nước và Nhân dân Việt Nam mà còn khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ một nền kinh tế bên bờ vực thẳm với lạm phát trên 700%; nông nghiệp, công nghiệp kiệt quệ, là nước nhân dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp nhưng phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực mỗi năm; sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế tăng trưởng cao nhiều năm liền. Từ một đất nước thiếu lương thực triền miên trước đổi mới thì suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất, nhì thế giới. Từ một đất nước với hơn 90% người dân mù chữ trước cách mạng tháng Tám thì tới nay tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-60 ở Việt Nam là trên 98,63%, đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Brunei 99,7% và còn cao hơn cả Singapore với 97,6%. Nếu như năm 1986, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chiếm gần 60% thì đến nay chỉ còn dưới 3%. Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tiềm lực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tham gia nhiều tổ chức quốc tế, nhiều hoạt động giữ gìn hòa bình của LHQ. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước.
Năm 2022, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Người đứng đầu Liên hợp quốc đã dùng những lời lẽ trang trọng nhất để đánh giá về những thành tựu và những đóng góp của Việt Nam đối với hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Tổng thư ký Liên hợp quốc đề cập đến giai đoạn nhân viên Liên hợp quốc phải cung cấp viện trợ lương thực cho Việt Nam, một đất nước "bị chiến tranh tàn phá, cô lập và đe dọa bởi nạn đói". "Hôm nay, chính Việt Nam đang gửi những người lính gìn giữ hòa bình đến giúp đỡ người dân ở những nơi khó khăn nhất thế giới" và khẳng định: “LHQ tự hào khi được là đối tác của Việt Nam”.
Nếu như trước năm 1975, Việt Nam vẫn chưa là thành viên của Liên hợp quốc (Việt Nam được kết nạp là thành viên Liên hợp quốc ngày 20/9/1977) thì cho đến nay, Việt Nam đã 2 lần được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đặc biệt, Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu ủng hộ 192/193 nước thành viên Liên hợp quốc. Việt Nam được chọn tổ chức nhiều hoạt động, nhiều hội nghị, nhiều diễn đàn lớn của quốc tế, trong đó có cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Hội năm 2019…Tất cả những thành tựu ấy ngày càng khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Ngày 23/9/2024, tại Trụ sở Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tại New York, Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao Malawi, Nancy Tempo chứng kiến Lễ ký thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao. Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Malawi, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia.
Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhiều năm liền. (Trong ảnh: Một góc TP Hồ Chí Minh hôm nay) |
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã trang trọng ghi vào văn kiện “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra tầm nhìn và định hướng phát triển với mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Những thành tựu mà đất nước đạt được chính là động lực để Việt Nam vươn lên hoàn thành những mục tiêu, khát vọng, tiến vào “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”./..