Tán thành mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa
(ĐCSVN) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 14/6, với 414/453 đại biểu tán thành (bằng 85,54%), Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
- Có nên quy định triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục sửa đổi?
- Gian lận thi cử làm “nóng” hội nghị phản biện về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi
Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 9 Chương, 115 Điều. Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục.
Về mục tiêu giáo dục, Luật khẳng định: Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết. Ảnh: quochoi.vn
Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; bảo đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ, nguồn nhân lực và phù hợp vùng miền; mở rộng quy mô trên cơ sở bảo đảm chất lượng và hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo và sử dụng.
Luật cũng quy định cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có quy định nghiêm cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền bá mê tín, hủ tục, lôi kéo người học vào các tệ nạn xã hội. Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi. Cấm xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên của cơ sở giáo dục và người học; xuyên tạc nội dung giáo dục; gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật... Luật cũng quy định không truyền bá tôn giáo, tiến hành các lễ nghi tôn giáo trong cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và của lực lượng vũ trang nhân dân.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Về sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Luật quy định mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tài liệu giáo dục của địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức biên soạn đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định sách giáo khoa; Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan; Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng; Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định; quy định cụ thể tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định cấp tỉnh.
Chính phủ quy định lộ trình nâng chuẩn đào tạo giáo viên
Về trình độ chuẩn của giáo viên, Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ; Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Luật cũng quy định Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định.
Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục số 44/2009/QH12 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.