TP. Hồ Chí Minh: Tinh gọn bộ máy , nâng cao hiệu quả hoạt động
(ĐCSVN) - Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, xây dựng các đề án, phương án, kế hoạch, giải pháp củng cố, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị Thành phố.
Ảnh minh họa: VGP |
Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị, là địa phương đầu tiên trong cả nước được thành lập thành phố thuộc Thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Đây là cơ hội lớn để Thành phố phát triển nhanh hơn, cao hơn, xứng tầm với tiềm năng hiện có, nhưng cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với Đảng bộ và chính quyền Thành phố trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành trong thời gian tới.
Thực hiện Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, xây dựng các đề án, phương án, kế hoạch, giải pháp củng cố, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị Thành phố.
Qua quá trình sắp xếp, toàn Thành phố giảm được 129 đầu mối, trong đó: Các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy, sau sắp xếp hiện có 06 cơ quan; tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Thành ủy giảm 15 phòng, hiện có 32 phòng. Đảng bộ quận, huyện, cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy giảm 09 đảng bộ, hiện có 52 đảng bộ. Các cơ quan chính quyền đã hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố, Văn phòng Hội đồng nhân dân Thành phố. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố giảm 06, hiện có 20 cơ quan; các cơ quan hành chính khác giảm 04, hiện có 11 cơ quan. Các đơn vị hành chính cấp huyện giảm 02, hiện có 22 đơn vị; cấp xã giảm 10, hiện có 312 phường, xã, thị trấn và sắp tới sẽ tiếp tục giảm 39 phường, xã. Các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện giảm 71 phòng, hiện có 265 phòng chuyên môn. Các cơ quan quản lý nhà nước khác (các ban quản lý dự án) giảm 03 ban thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố và 09 ban thuộc sở, ngành Thành phố.
Sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy đã từng bước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, giữa các cấp chính quyền; nâng cao chất lượng tham mưu cho Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về các vấn đề kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và công tác vận động Nhân dân.
Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy đã triển khai thực hiện các đề án tổ chức bộ máy theo chương trình phối hợp giữa Ban Thường vụ Thành ủy với Ban Tổ chức Trung ương. Cùng với việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, kiện toàn bộ máy các sở, ban, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức theo hướng làm rõ chức năng, nhiệm vụ; không chồng chéo, trùng lắp nhau. Lãnh đạo thực hiện củng cố, kiện toàn các đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy theo hướng giảm mạnh đầu mối trực thuộc Thành ủy, sáp nhập các đảng bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; sắp xếp một số đảng bộ khối cơ sở bộ, ngành Trung ương trực thuộc Thành ủy có tính chất đặc thù, phù hợp với điều kiện đặc điểm của Thành phố.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy và cơ quan liên quan tạo điều kiện để các đơn vị hoạt động thuận lợi; xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, phương án luân chuyển, sắp xếp, bố trí cán bộ, chỉ đạo thực hiện đề án khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính; các cơ quan tham mưu giúp việc của quận ủy, huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức, đảng ủy cấp trên cơ sở được tổ chức, sắp xếp theo quy định, phù hợp tình hình thực tế của đơn vị.
Trên tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng để đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc và các tổ chức trong hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành quy chế làm việc của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy; ban hành các quy định, quy chế làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc để thông qua đó thực hiện sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Thành phố đối với hệ thống chính trị Thành phố.
Mặt khác, Thành ủy lãnh đạo chính quyền Thành phố thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước theo quy định; định hướng những vấn đề đặc biệt quan trọng do Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn, quy hoạch chung xây dựng Thành phố, quy hoạch sử dụng đất của Thành phố, quy hoạch vùng thành phố Hồ Chí Minh; cho chủ trương những vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm về kinh tế - văn hóa - xã hội, ngân sách, quốc phòng - an ninh, các chương trình, đề án, dự án trọng điểm; chủ trương đầu tư các dự án đặc biệt quan trọng của Thành phố; cho ý kiến về điều chỉnh địa giới hành chính hoặc thành lập, sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật; xem xét, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách hàng quý và năm; định hướng phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo…
Để tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, tinh giản biên chế cần có sự chuyển dịch cung cấp dịch vụ công từ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội sang đơn vị sự nghiệp công lập. Việc này giúp giảm tải cho cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, để các đơn vị tập trung làm công tác quản lý nhà nước, tập trung làm công tác tham mưu. Và khi các đơn vị sự nghiệp công lập được giao làm dịch vụ công sẽ tạo sự năng động, nâng cao năng lực hoạt động của đơn vị./.