Gian lận thi cử làm “nóng” hội nghị phản biện về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi
(ĐCSVN) – Thực tế gian lận thi cử mấy hôm nay rất đau lòng, cho thấy Luật phải ghi rõ cán bộ quản lý giáo dục quyền được làm gì, trách nhiệm đến đâu, tiêu chuẩn tiêu chí nào để làm cán bộ quản lý giáo dục... Không thể chấp nhận hàng loạt cán bộ quản lý giáo dục lại trực tiếp tham gia vào vụ gian lận thi cử…
- Hội LHPNVN góp ý một số vấn đề quan trọng sửa Luật Giáo dục
- Còn ý kiến khác nhau về chính sách học phí góp ý dự thảo Luật Giáo dục
Đó là ý kiến phát biểu của TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đã được rất nhiều các đại biểu đồng tình khi tham dự hội nghị phản biện về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi tại Hội nghị do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 22/4, tại Hà Nội.
Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa
Dự thảo luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại 2 kỳ họp vừa qua và dự kiến được xem xét, thông qua tại kỳ họp khai mạc vào tháng 5 tới. Dự thảo luật này được các đại biểu Quốc hội và nhân dân đặc biệt quan tâm bởi giáo dục là lĩnh vực quan trọng, tác động thiết thân tới toàn xã hội.
Về một số vấn đề mà dư luận vừa qua quan tâm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có ý kiến. Đơn cử, UBTVQH đề nghị không quy định triết lý giáo dục thành một điều khoản riêng mà thể hiện qua các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của Luật này.
Theo đó, Dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng sắp xếp lại kết cấu Chương I, bổ sung các quy định về mục tiêu (Điều 2), tính chất, nguyên lý (Điều 3) và định hướng phát triển giáo dục Việt Nam (Điều 4) cùng một số quy định khác của Dự thảo Luật.
UBTVQH cũng đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa (SGK) như trong Dự thảo Luật và làm rõ ràng, mạch lạc hơn về vai trò của chương trình giáo dục phổ thông và SGK. Trong đó, luật cần quy định rõ Chương trình là pháp lệnh, thống nhất trong toàn quốc; chương trình xác nhận mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; chương trình được xây dựng khoa học, cụ thể, liên kết từ lớp 1 đến lớp 12 cho tất cả các môn học.
Luật quy định Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và ra quyết định ban hành trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông được công bố công khai trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng.
SGK là công cụ giảng dạy, triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình và định hướng về phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Luật quy định, SGK phải được thẩm định bởi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành.
Để bảo đảm chất lượng của chương trình và SGK giáo dục phổ thông, Dự thảo Luật cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Ủy ban nhân dân các cấp, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, SGK và Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục cấp tỉnh…
Cần rõ chế tài xử lý gian lận thi cử
Tại hội nghị, nhiều ý kiến thẳng thắn đã góp ý vào dự thảo luật này. TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu quan điểm, giáo dục đang được cả xã hội quan tâm, nên các vấn đề trong Luật Giáo dục phải rõ ràng từ tiêu chuẩn của cán bộ quản lý và quyền hạn trách nhiệm của họ; tiêu chuẩn giáo viên..
“Thực tế gian lận thi cử mấy hôm nay rất đau lòng, cho thấy Luật phải ghi rõ cán bộ quản lý giáo dục quyền được làm gì, trách nhiệm đến đâu, tiêu chuẩn tiêu chí nào để làm cán bộ quản lý giáo dục. Bộ máy cái của ngành giáo dục phải là những người có phẩm chất, có trình độ, không để như vừa qua. Không thể chấp nhận hàng loạt cán bộ quản lý giáo dục lại trực tiếp tham gia vào vụ gian lận thi cử như ở Hòa Bình, Sơn La..”, TS Nguyễn Viết Chức nói.
Theo TS Chức, tiêu chuẩn giáo viên cũng phải rõ, kể cả tiêu chuẩn về ngoại ngữ, để có cơ sở bảo vệ nhà giáo. “Không để như hiện nay, cứ đề ra thì công chức rồi đánh trượt giáo viên, không ai bảo vệ họ. Giáo viên hiện nay đi dạy nhưng cứ nơm nớp vì không được bảo vệ. Luật phải bảo vệ được giáo viên. Muốn thế tiêu chuẩn giáo viên phải rõ ràng, không để giáo viên phải “chạy” các loại chứng chỉ, văn bằng, rồi khi thi thố họ lại phải kêu cứu. Tiêu chuẩn nhà giáo có thể khắt khe nhưng sẽ bảo vệ được họ”, TS Chức phát biểu.
Cũng theo TS Nguyễn Viết Chức, hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm là vô cùng bất cập, lỗi thời. Trẻ em bây giờ phát triển tốt hơn trước đây cả về thể chất, trí tuệ, do đó nên rút còn 11 năm, lợi rất nhiều. “Cần chỉ rõ thế giới hiện nay còn bao nhiêu nước dạy 12 năm và 11 năm, từ đó đưa ra mô hình thích hợp cho Việt Nam. Tại sao ta cứ khư khư giữ 12 năm, ban soạn thảo cần giải trình rõ. Đây là ý kiến của nhiều nhà giáo dục chứ không riêng tôi”, ông Chức thắng thắn. Đồng thời cho rằng, đó là những việc cần làm ngay chứ không phải chăm chăm lo viết SGK, bởi quan trọng nhất là giáo viên chứ không phải SGK, sách hay đến mấy mà giáo viên không đáp ứng yêu cầu cũng không có hiệu quả. Ngoài ra, Luật cần viết rõ hơn về phân luồng, hướng nghiệp, nội dung này trong dự thảo luật đang rất chung chung. Đây là vấn đề rất quan trọng, cần hướng nghiệp rõ vấn đề này, hướng nghiệp nhưng không phải là bắt buộc, hướng làm sao để người dân không ồ ạt đổ đi thi đại học.
Cùng quan điểm, GS Trần Ngọc Đường, nguyên Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho rằng, Luật Giáo dục là luật mẹ, nên phải bao quát đủ các vấn đề. Luật phải điều chỉnh được những vấn đề mà dư luận hiện đang bức xúc như bạo lực học đường, gian lận thi cử. Đặc biệt, phải làm rõ vai trò chủ thể của gia đình trong các hoạt động giáo dục.
PGS.TS Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu thực tế: Học sinh Việt Nam ra nước ngoài học ngày càng đông, là do nền giáo dục trong nước gây thất vọng hay sao, cần làm rõ. Luật Giáo dục lần này cần tạo được chuyển biến tích cực cho nền giáo dục. Theo ông, Luật chưa làm rõ mối quan hệ gia đình - nhà trường, trong khi để nâng cao chất lượng giáo dục, đây là mối quan hệ cần rất được đề cao. Gia đình - nhà trường phải phối hợp để giáo dục, dạy dỗ học sinh. “Luật cũng chưa đề cập được gì đến việc ngăn chặn gian lận thi cử trong thời đại 4.0, mà gian lận thi cử trong năm 2018 là một thực tế nhức nhối”, PGS-TS Vũ Hào Quang nói. Bên cạnh đó, Luật cũng cần phải đề cập sâu sắc đến vấn đề chống bạo lực học đường, bảo vệ được thân thể, danh dự, nhân phẩm của thầy cô, học sinh.
Giảm tải, không nặng kiến thức hàn lâm như hiện nay
Theo ý kiến của thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội (người đã đã có hơn 20 năm làm giáo dục tư thục, tham gia thành lập Trường dân lập Lương Thế Vinh, Đại học Thăng Long - những cơ sở giáo dục dân lập đầu tiên của Việt Nam và từng đóng góp rất nhiều các văn bản về giáo dục), dự thảo lần này có nhiều sửa đổi tích cực, hợp lý hơn dự thảo trước. Tuy nhiên, góp ý thêm về nội dung đầu tư cho giáo dục, thầy Khang cho rằng, luật chưa thấy rõ tính đặc thù của lĩnh vực giáo dục, do đó cần làm rõ hơn nội dung này.
Đáng chú ý, thầy Khang đề nghị ban soạn thảo bổ sung nội dung về những điều mà dư luận đang rất quan tâm: giáo dục phải được tự chủ về nhân sự và tài chính. Theo đó, ngành giáo dục phải được tự chủ tuyển dụng giáo viên, không qua ngành nội vụ như hiện nay, tương tự như công an, quân đội được tự chủ tuyển dụng. Ngành giáo dục cũng phải được tự chủ về tài chính, nghĩa là ngân sách đầu tư thẳng cho giáo dục, không phụ thuộc Bộ Tài chính. Thầy Khang cũng đề xuất luật cần bổ sung loại hình trường phổ thông có nhiều cấp học.
GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, sửa luật nhưng phải dựa trên những gì tốt đẹp, những gì tinh túy của nền giáo dục thì phải giữ. “Dự thảo này tinh thần học thuật không có. Giáo dục là để đất nước phát triển, nguyên lý giáo dục phải rõ ràng. Vì thế, về triết lý giáo dục, đồng tình với phương án 2, tức phải gom vào một điều và phải rõ, không để rải rác trong luật. Luật cũng phải thúc đẩy được tinh thần tự do học thuật”, GS.TS Nguyễn Đăng Dung nêu ý kiến.
Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì rất băn khoăn khi thực hiện nhiều bộ SGK, rất dễ lộn xộn, lúng túng trong lựa chọn bộ sách nào để học. Ông cũng đề nghị giáo dục cần phải thực hiện bằng được giảm tải, không để nặng về kiến thức hàn lâm như hiện nay.
Bà Lê Vân An, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì có ý kiến việc miễn học phí THCS phải tính toán lộ trình, để luật ra thì phải khả thi.
Một số đại biểu đề nghị làm rõ chính sách học phí đối với người học diện phổ cập giáo dục; việc hỗ trợ đóng học phí đối với người học diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; cần cụ thể hóa về đối tượng thụ hưởng, tiêu chí, mức tính.
Nhiều ý kiến cho rằng, luật cần bao quát nhiều vấn đề đang là nỗi bức xúc hiện nay của xã hội như thực phẩm bẩn vào trường học, bạo lực học đường với thầy cô và học sinh, gian lận thi cử.. Nếu không có chế tài để xử lý vấn đề này thì tình trạng không thể giải quyết được. “Ví dụ gian lận vừa qua dân rất bức xúc, nhưng khi viện dẫn ra luật thì khó xử lý, nhiều cán bộ, thí sinh vẫn đang nhởn nhơ. Cần có chế tài rất trong việc này, xử nghiêm những trường hợp lợi dụng chức vụ quyền hạn để nâng điểm, nâng hạnh kiểm vì tới đây xu hướng là việc xét tuyển ngày càng nhiều hơn…/.