Còn ý kiến khác nhau về chính sách học phí góp ý dự thảo Luật Giáo dục
(ĐCSVN)- Theo tổng hợp của Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) – Thường trực Ban soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi): về chính sách học phí trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), cơ bản có 3 luồng ý kiến.
Ảnh minh họa. Nguồn: TL
Đa số ý kiến nhất trí với quy định tại Điều 97 của dự thảo Luật, theo đó trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí. Trẻ em mầm non năm tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Đối với học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường tư thục trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện.
Có một số ý kiến đề nghị quy định trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí. Đối với các địa phương chưa bảo đảm đủ trường công lập cho trẻ em và học sinh thuộc diện phổ cập, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí đối với học sinh thuộc diện phổ cập tại trường dân lập, tư thục.
Cũng có một số ý kiến cho rằng, nên miễn hoàn toàn học phí và các chi phí khác ngoài học phí cho các đối tượng học sinh thuộc diện phổ cập trong nhà trường thuộc các loại hình.
Góp ý của Trường ĐH Kinh tế quốc dân đề nghị bổ sung vào Dự thảo đề nghị quy định rõ: Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức thu học phí được xác định theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo do Chính phủ quy định.
Nhằm xác định nội hàm các khoản thu cấu thành nên học phí, loại bỏ hiện tượng lạm thu, các khoản thu biến tướng hiện nay; bổ sung quy định rõ trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí. Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục;
Bổ sung quy định trẻ em mầm non năm tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục (bao gồm cả trường có vốn đầu tư nước ngoài);
Bổ sung quy định giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường tư thục, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Về nội dung này, góp ý của Trường ĐH Vinh cho rằng: Quy định của dự thảo cần tính đến yếu tố đặc thù về vùng miền trong chính sách thu học phí. Bởi vì, có thể quy định chung về việc thu học phí sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, ý thức, trách nhiệm của người dân ở một số địa phương khó khăn trong việc cho con em của mình đến trường ở cấp học nhỏ nhất.
Quan điểm của Học viện Tài chính: Trên thực tế, Việt Nam đang thực hiện một chính sách tín dụng HSSV bằng nguồn ngân sách nhà nước để cho vay ưu đãi đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn nhằm đảm bảo cơ hội học tập.
Dù đã thực sự đem lại cơ hội học tập cho HSSV và đảm bảo công bằng xã hội, tuy nhiên, chính sách hiện nay đã bộc lộ những bất cập trong bối cảnh cơ chế tài chính cho giáo dục đang có những thay đổi nhanh chóng. Vì thế, đã đến lúc phải nghiên cứu một cơ chế tín dụng giáo dục theo hướng hỗ trợ tốt hơn cho việc học tập của người học.../.