Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả có phải đền bù kinh phí cho Nhà nước?

Thứ Năm, 28/10/2021 09:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời gian gần đây ở một số địa phương phát hiện ra tình trạng cán bộ công chức, viên chức sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Vậy dưới góc độ pháp lý hành vi trên sẽ bị xử lý ra sao? Hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả có phải đền bù kinh phí cho Nhà nước?

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Lê Lưu Phú, Công ty luật TNHH Gia Nguyễn và cộng sự (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Theo Nghị định112/2020 NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ công chức thì hành vi sử dụng bằng giả của công chức, viên chức sẽ phải chịu hình thức kỷ luật buộc thôi việc tại Khoản 3, Điều 13 và Khoản 4 Điều 19 của Nghị định này.

Điều 13. Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức.

Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm;

2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này;

3. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;

4. Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền;

5. Ngoài quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này, hình thức kỷ luật buộc thôi việc còn được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này.

Điều 19. Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức

Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm;

2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định này;

3. Viên chức quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này;

4. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;

5. Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có xác nhận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền.

 Luật sư Lê Lưu Phú, Công ty luật TNHH Gia Nguyễn và cộng sự (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

(Ảnh: Kim Chiến).

Liên quan đến vấn đề đền bù chi phí đào tạo của công chức, viên chức khi bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc thì tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có quy định tại “Điều 7. Đền bù chi phí đào tạo.

Cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo.

2. Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.

3. Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này.”

Như vậy thì các trường hợp bị buộc thôi việc của công chức, viên chức không nằm trong các trường hợp phải đền bù chi phí đào tạo của Nghị định này.

Khi công chức, viên chức bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc do sử dụng văn bằng chứng chỉ giả mặc dù không phải đền bù chi phí đào tạo, nhưng với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả này có thể bị truy cứu trách nhiệm Hình sự được Quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 với hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù và phạt tiền lên đến 100 triệu đồng.

 Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Kim Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN