Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cá nhân có được dùng hai biển số xe?

Thứ Sáu, 05/07/2024 08:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những người thi hành công vụ mà sử dụng hai biển số cho một chiếc xe ô tô thuộc trường hợp “rất đặc biệt” và phải có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; còn đối với cá nhân thì không được phép sử dụng hai biển số xe đối với một chiếc xe ô tô.

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, vào lúc 10h ngày 30/6, tại Trạm thu phí Vân Đồn trên cao tốc Hạ Long - Móng Cái (Quảng Ninh), tổ công tác của Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ của Cục Cảnh sát Giao thông đã dừng và kiểm tra xe Land Cruiser VX mang BKS 80B-9189.

Chiếc xe sử dụng hai biển số (Ảnh: Cục CSGT cung cấp)

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện xe ô tô sử dụng BKS: 80B-9189 không đúng với đăng ký do Công an Thành phố Hà Nội cấp; đồng thời phát hiện xe có sử dụng thiết bị lật biển số xe với BKS: 29A-455.65. Cục CSGT xác định BKS: 80B-9189 được cấp cho phương tiện thuộc quản lý của Cục Quản trị - Văn Phòng Chính phủ.

Chủ xe thừa nhận đã tự ý lắp đặt thiết bị lật biển số xe vào phương tiện của mình, qua các trạm thu phí, chiếm đoạt số tiền phí đường bộ của phương tiện 80B-9189. Hiện vụ việc đang được Đội 2 phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) xử lý theo quy định.

 Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính

(Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) 

Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, tại thời điểm kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện chiếc xe ô tô mang biển kiểm soát nền xanh 80B của một cơ quan trung ương, nhưng qua kiểm tra thực tế cơ quan chức năng phát hiện chiếc xe này có sử dụng thiết bị lật biển số, khi tiến hành lật biển số màu xanh thì phía sau là biển kiểm soát nền trắng 29A, qua xác minh cơ quan chức năng xác định được biển số màu xanh là biển số được cấp cho Cục quản trị - Văn phòng Chính phủ, biển số thật là biển số 29A nền trắng phía sau. Đồng thời, tài xế cũng đã thừa nhận bản thân tự lắp thêm biển số 80B, biển số 29A mới là biển số thật, hiện nay cơ quan chức năng đang rà soát xác định số tiền phí đường bộ mà tài xế xe này đã chiếm đoạt thông qua việc gắn biển số giả để qua mặt cơ quan chức năng.

Theo quy định pháp luật, ô tô là tài sản có đăng ký quyền sở hữu dưới sự quản lý của Nhà nước, mỗi chiếc xe ô tô sẽ có một số khung và số máy khác nhau, căn cứ vào số khung, số máy khác nhau; căn cứ vào chủ sở hữu của phương tiện thì Cơ quan Nhà nước cụ thể là Phòng Cảnh sát giao thông sẽ cấp biển số xe cho các chủ sở hữu phương tiện các biển số xe, mỗi một phương tiện chỉ được cấp duy nhất một biển số xe. Hiện nay theo quy định đối với biển số cấp cho cá nhân thì sẽ cấp theo mã số định danh, tức biển số xe sẽ cấp theo người. Những người thi hành công vụ mà sử dụng hai biển số cho một chiếc xe ô tô thuộc trường hợp “rất đặc biệt” và phải có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; còn đối với cá nhân thì không được phép sử dụng hai biển số xe đối với một chiếc xe ô tô.

Vì thế trong vụ việc này cơ quan chức năng xác định chiếc xe ô tô mang 02 biển kiểm soát này là của cá nhân và thực hiện hành vi tráo biển số, cơ quan chức năng đã xác định được chiếc biển xanh không được cấp cho chiếc xe này mà là chiếc xe của Cục quản trị - Văn phòng Chính phủ, vì thế hành vi của tài xế này là hành vi vi phạm pháp luật. Với hành vi này chủ phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm d, Khoản 5, Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bằng Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ, với mức xử phạt từ 4-6 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi quy định tại điểm d, điểm đ, khoản 5 Điều 16 bị tịch thu giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy đăng ký xe, biển số không đúng quy định hoặc bị tẩy xóa; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Còn đối với hành vi sử dụng biển xanh giả chiếm đoạt tiền phí đường bộ hay nói cách khác là gây thiệt hại cho cơ quan Nhà nước, khiến cơ quan nhà nước phải nộp thay phí giao thông đường bộ, thì người có hành vi vi phạm này phải trả lại cho cơ quan Nhà nước số tiền đã chiếm đoạt này.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ nhân thân, lai lịch cũng như đặc điểm của người và phương tiện này để làm căn cứ để giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật. Cơ quan chúc năng sẽ thu thập dữ liệu camera tại các trạm thu phí để xác định phương tiện này sử dụng biển số xe như thế nào, việc tráo đổi biển số xe được thực hiện ra sao, việc lắp thêm biển số xe màu xanh nhằm mục đích gì? để xác định có việc sử dụng chiếc xe có biển số xanh giả thực hiện hành vi trái pháp luật hay không, nếu có sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì tùy vào hành vi cụ thể, tùy tính chất và mức độ của hành vi đó mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN