Sớm ban hành khung pháp lý kiểm soát thuốc lá mới đối với từng loại phù hợp
(ĐCSVN) - Trước thực trạng người trẻ sử dụng thuốc lá mới gia tăng, các bộ, ngành liên quan và các chuyên gia cho rằng, cần quản lý ngay những sản phẩm đã tương thích với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhằm ngăn chặn sự lan rộng của thị trường chợ đen.
Đây cũng là tiền đề tiến đến việc hoàn thiện khung pháp lý cho các sản phẩm cùng loại trong tương lai. Do đó, thay vì chờ đợi nghiên cứu, hay trì hoãn thì có thể từng bước quản lý từng loại khác nhau theo lộ trình phù hợp, nhằm dàn trải gánh nặng về nguồn lực quản lý cũng như bịt các lỗ hổng trong kiểm soát thị trường chợ đen đối với các loại sản phẩm này.
Tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong giới trẻ
Những nghiên cứu gần đây về xu hướng sử dụng thuốc lá cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong giới trẻ đang gia tăng. Trong đó, tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13 - 15 tuổi chỉ ra: Tỷ lệ hút thuốc lá trong học sinh nam là 4,9% và học sinh nữ là 0,2%. Bất chấp các quy định pháp luật, giới trẻ vẫn dễ dàng mua và hút thuốc lá ở bất kỳ nơi đâu.
Trong những năm gần đây, sự phát triển của các sản phẩm thuốc lá mới bằng đường xách tay, buôn lậu, đã khiến cho tình trạng hút thuốc lá ở giới trẻ nâng mức báo động.
Theo số liệu của Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử (TLĐT) năm 2020 ở cả nam và nữ tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%). Đặc biệt, xu hướng sử dụng TLĐT tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24.
GS.TS. Trần Văn Thuấn chia sẻ kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên (GYTS) tại hội thảo của Bộ Y tế năm 2022. Ảnh: TL. |
Trước tình trạng phổ biến của các loại thuốc lá mới, các chuyên gia nhìn nhận, cần sớm kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới, đồng thời không để xảy ra tình mất cân đối trong việc quản lý giữa thuốc lá điếu và thuốc lá mới như hiện nay.
Cần quản lý thuốc lá mới theo từng giai đoạn
Tại nước ta, thuốc lá là ngành hàng kinh doanh hợp pháp, có điều kiện. Do vậy, nếu đã là mặt hàng thuốc lá thì việc kiểm soát là nhu cầu tất yếu. Trong bối cảnh thuốc lá mới nhập lậu đã phổ biến khắp nơi, việc ban hành khung pháp lý cho thuốc lá mới đang được xem là giải pháp cần thiết, hợp lý, hữu hiệu hơn, thay vì không quản lý được thì cấm.
Song, các cơ quan chức năng hiện nay vẫn chưa thống nhất cách thức quản lý mặt hàng này, bắt nguồn từ quan điểm khác biệt về việc định danh từng loại thuốc lá mới khác nhau. Tuy đều là thuốc lá mới, nhưng thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá làm nóng (TLLN) không giống nhau về cấu tạo sản phẩm và đặc biệt là thành phần nguyên liệu sử dụng. Về TLLN, các chuyên gia đánh giá đây rõ ràng là sản phẩm thuốc lá, với thành phần tương tự như thuốc lá điếu truyền thống, nên đã được bao hàm trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) - hiện hành. Chủng loại sản phẩm này cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định là thuốc lá và kêu gọi các nước đưa vào quản lý theo luật sở tại.
Chủ tịch Hội tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc yêu cầu đưa thuốc lá làm nóng vào kiểm soát ngay. Ảnh: TL. |
Trong hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm” mới đây, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính nêu rõ: "TLLN là thuốc lá, tỷ lệ carbon monoxide gây hại là thấp hơn, nhưng chỉ với các sản phẩm chất lượng. Nếu không đưa vào kiểm soát, không coi TLLN là thuốc lá thì hậu quả gây ra là giới trẻ tự do sử dụng các sản phẩm này. Vô hình trung, các đối tượng trẻ này có thể hút các loại thuốc lá mới, dù có thật sự giảm tỷ lệ các chất độc hại hơn đi nữa, nhưng đã là thuốc lá là phải có tác hại".
Còn tại hội thảo "Khung khổ pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới” ngày 18/8 của VCCI, bà Nguyễn Thị Cúc cũng bày tỏ lo ngại về tính pháp lý của TLĐT: “Mặc dù luật không cấm, nhưng cũng không văn bản quy phạm pháp luật nào cho phép sản xuất, kinh doanh TLĐT. Nếu TLĐT không có lá thuốc lá mà chỉ sử dụng hương liệu, vậy làm sao để xác định đây là sản phẩm thuốc lá để áp dụng quy định hiện hành?”.
Kể từ lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương sớm đề xuất cơ chế quản lý thuốc lá mới, chính sách đối với sản phẩm này đã được các bộ ngành liên quan bàn bạc suốt hơn 6 năm qua. Cùng lúc đó, tội phạm buôn lậu ngày càng “bành trướng” trên thị trường bằng nhiều thủ đoạn phi pháp, tinh vi. Đáng nói là vấn nạn TLĐT bị pha trộn ma túy, tấn công vào học đường đã gây ra những hậu quả khôn lường.
Theo đó, các chuyên gia nhìn nhận cần cấp thiết quản lý thuốc lá mới, không nên trì hoãn thêm. Nhưng để sớm hiện thực hóa, trước mắt nên áp dụng ngay luật hiện hành đối với sản phẩm nào đã phù hợp với định nghĩa của cả luật PCTHTL và WHO như TLLN, nhằm giảm tải gánh nặng cho các cơ quan chức năng. Đây cũng là tiền đề để từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý để tiến tới quản lý toàn bộ các loại thuốc lá mới trong tương lai./.