Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật

Chủ Nhật, 25/08/2024 15:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thi tìm hiểu pháp luật là một trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, là cầu nối chuyển tải những nội dung pháp luật vào cuộc sống, là hình thức sinh hoạt văn hoá pháp lý có sức hấp dẫn và hiệu quả. Đây là một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hấp dẫn, có hiệu quả cao và được sử dụng nhiều.

Theo đó, những nội dung pháp luật được chuyển tải đến các đối tượng thông qua cuộc thi một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ hơn, sinh động hơn, tránh được sự cứng nhắc, khô cứng. Bên cạnh đó, kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền pháp luật của người tổ chức cũng được trau dồi, gọt dũa.

Qua thực tiễn triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thấy, muốn các quy định pháp luật đến và ở lại với người dân thì trước hết các quy định pháp luật đó là các quy định mà người dân đang có nhu cầu tìm hiểu. Việc truyền tải các quy định pháp luật phải cuốn hút, thu hút và tạo sự hấp dẫn cho người được phổ biến, khi đó cách truyền tải các quy định pháp luật phải được mềm hóa, linh hoạt và thường xen lẫn các tình tiết, yếu tố xung đột liên quan đến các lĩnh vực thực hiện tuyên truyền, phổ biến.

Chính vì vậy, khi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đòi hỏi phải có sự đầu tư, đa dạng trong các hình thức triển khai, cách thức triển khai và nội dung triển khai phải bám sát từng nhóm đối tượng.

Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến được xem là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đạt hiệu quả cao và thu hút được đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia.

Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024  do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức . Ảnh: TL.

Trong năm 2024, có thể kể ra một số cuộc thi tiêu biểu như: Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024 trên Trang Thông tin điện tử tổng hợp Báo cáo viên; Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu những nội dung cơ bản của luật đất đai năm 2024” do Sở tư pháp Đăklak tổ chức;  Sở Tư pháp Tuyên Quang phối hợp tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tội phạm” năm 2024; Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục Pháp luật thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật cho học sinh thành phố Đà Nẵng năm 2024”; Ban Chỉ đạo 35-57 tỉnh Tây Ninh ban hành kế hoạch tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh năm 2024.... Theo đó, riêng Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024, qua 3 tuần thi đã có tổng số 825.962 người tham gia với 1.017.050 lượt thi.

Với hình thức này, đối tượng có nhu cầu tìm hiểu pháp luật khi tiếp cận pháp luật không có cảm giác khô cứng, tìm hiểu để đối phó mà có cảm giác như đang tích lũy các kiến thức để tham gia vào một sân chơi, để thể hiện mình và để giao lưu, chia sẻ những kiến thức mà mình có. Biến từ thụ động tiếp cận pháp luật sang trạng thái chủ động tiếp cận pháp luật. Từ đó, các quy định pháp luật dần đi vào nhận thức của người tham dự cuộc thi một cách chủ động, tự nguyện và góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Việc tổ chức các cuộc thi còn tạo ra sức cạnh tranh, lan tỏa nhu cầu tìm hiểu pháp luật trong không gian, thời gian và đối tượng rộng, dài và lớn. Qua đó, giúp việc truyền tải các quy định pháp luật gần gũi, thu hút hơn đối với người tiếp cận; khuyến khích, tạo khí thế thi đua trong tìm hiểu các quy định pháp luật của cán bộ, nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Các giải thưởng của cuộc thi cũng khích lệ, động viên người tham dự cố gắng phấn đấu tốt hơn tại các cuộc thi sau, tìm hiểu pháp luật và gắn pháp luật với đời sống nhiều hơn. Đây chính là những hiệu quả của hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đem lại và hiệu quả hơn so với các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật khác./.

Mai Khánh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN