Hiệu quả tuyên truyền từ các phiên tòa giả định
(ĐCSVN) - Phiên tòa giả định được xem là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật mới, hiệu quả giúp học sinh, sinh viên nhận rõ hành vi vi phạm ảnh hưởng đến xã hội, góp phần nâng cao ý thức pháp luật.
Phiên tòa giả định là mô hình tuyên truyền, giáo dục pháp luật mới, sáng tạo, phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là thanh, thiếu niên.
Cùng với các hình thức truyền thông, giáo dục pháp luật trực tiếp tại trường học, cộng đồng dân cư, việc tuyên truyền qua hình thức phiên tòa giả định đã tạo chuyển biến mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của học sinh, sinh viên, người dân về pháp luật nói chung và an toàn giao thông nói riêng. Qua đó, tạo sự chuyển biến về ý thức thượng tôn pháp luật, góp phần nâng cao văn hóa giao thông.
Có thể kể đến một số Phiên tòa giả định được tổ chức gần đây như: Phiên tòa giả định vụ án hình sự “Giết người và Cố ý gây thương tích” trong lứa tuổi thanh, thiếu niên Công an tỉnh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Trường Đại học Văn Lang TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 23/9; hay Phiên tòa giả định, xét xử vụ án Vi phạm pháp luật về ATGT do UBND xã Hợp Thành phối hợp với TAND thành phố Lào Cai tổ chức ngày 10/8 hay Phiên tòa giả định về phòng chống tội phạm cho đoàn viên, thanh niên do Hội đồng PBGDPL thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) phối hợp với Trường TH-THCS-THPT Yên Hưng tổ chức ngày 28/2.
Phiên tòa giả định, xét xử vụ án Vi phạm pháp luật về ATGT do UBND xã Hợp Thành phối hợp với TAND thành phố Lào Cai tổ chức. Ảnh: TL. |
Thông qua các Phiên tòa giả định cho thấy, với diễn biến, quá trình xét xử như một phiên xét xử tại tòa án, bao gồm đủ các thành phần và các bước từ xét hỏi, luận tội, tranh luận, nghị án, tuyên án, phản ánh đầy đủ hành vi phạm tội của bị cáo, các quy định pháp luật và mức án được áp dụng, đã giúp các học sinh, đoàn viên, thanh niên tham gia có cái nhìn trực quan, sinh động, hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về ATGT, biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật.
Em Quốc Trung, học sinh lớp 12B Trường TH-THCS-THPT Yên Hưng (Quảng Yên, Quảng Ninh) chia sẻ: Phiên tòa giả định này hay, dễ hiểu, giúp chúng em có thêm những kiến thức bổ ích, hiểu rõ những hậu quả và hình phạt đối với người vi phạm luật, từ đó tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông, đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Tiến sĩ Nguyễn Tất Thành, Trưởng bộ môn Luật Hình sự, Trường Đại học Văn Lang cho biết, Phiên tòa giả định giúp các em hiểu thêm về diễn biến của một phiên tòa cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hình thành văn hóa ứng xử nhằm góp phần hạn chế các vụ cố ý gây thương tích trên địa bàn, nhất là những vụ án liên quan đến học sinh, sinh viên. Việc tổ chức phiên tòa giả định được xem là cách làm thiết thực, mang lại hiệu quả giáo dục đối với mọi người, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên và học sinh. Đây cũng là công cụ để Ngành chức năng tuyên truyền hiệu quả pháp luật trong tình hình hiện nay. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong giới trẻ, góp phần xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.../.