Cần đánh giá khoa học toàn diện thuốc lá mới
(ĐCSVN) - Nhằm hoàn thiện Nghị định 67/2013-NĐ-CP sửa đổi liên quan đến việc kiểm soát thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN), Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Y tế tiến hành nghiên cứu, đánh giá toàn diện các sản phẩm này trên căn cứ khoa học.
Vào ngày 4/5, tại Phiên giải trình trách nhiệm quản lý TLLN, TLĐT do Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, các ý kiến thống nhất, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện khảo sát, kiểm tra và đánh giá toàn diện các sản phẩm này trong năm 2024, nhằm tạo cơ sở thống nhất quan điểm quản lý Nhà nước.
Theo đó, tiến độ trình Chính phủ phương án kiểm soát TLĐT, TLLN sẽ phụ thuộc vào báo cáo khoa học toàn diện của Bộ Y tế.
Cần cập nhật dữ liệu khoa học, pháp lý mới nhất
Sau hơn 7 năm kể từ khi Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp các bộ liên quan nghiên cứu phương án quản lý thuốc lá mới năm 2017, đến nay khung pháp lý dành cho các sản phẩm này vẫn chưa được thống nhất, ban hành.
Do vậy, tiến trình của báo cáo khoa học do Bộ Y tế thực hiện sẽ là yếu tố then chốt để giúp Việt Nam sớm có hành lang pháp lý đối với thuốc lá mới. Song, để báo cáo hoàn thiện, việc cập nhật dữ liệu khoa học mới nhất trên toàn cầu theo các chuyên gia là điều cầu thiết.
Cụ thể, tại Mỹ đã có những báo cáo quan trọng liên quan đến vấn đề sử dụng TLĐT ở giới trẻ. Năm 2019, tỷ lệ dùng TLĐT ở thanh thiếu niên (12-18 tuổi) tăng mạnh đến gần 28%.
Tuy nhiên sau đó, đến cuối năm 2023, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ Mỹ đã liên tục giảm mạnh xuống mức 10%, tức giảm đi gần 2/3, theo báo cáo mới nhất của CDC (Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật) và FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm) Mỹ.
Kết quả này được cho là do việc tăng cường thực thi pháp luật đối với việc kinh doanh thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép kinh doanh cho từng sản phẩm thuốc lá mới, và kịp thời khuyến cáo rõ ràng về tác hại liên quan.
Theo một nghiên cứu được FDA đánh giá: Dấu ấn sinh học sau 90 ngày theo dõi trên người phơi nhiễm với khí hơi TLLN đã giảm đáng kể từ 34-92% (theo nghiên cứu tại Nhật) và 15-82% (theo nghiên cứu tại Mỹ) so với người hút thuốc lá điếu. (Nguồn: FDA). |
Theo đó, năm 2019, FDA đã cấp phép cho một loại TLLN đầu tiên sau khi nghiên cứu và kiểm nghiệm sản phẩm kể từ năm 2017. Một năm sau đó, cơ quan này tiếp tục công nhận TLLN này là sản phẩm thuốc lá “Điều chỉnh về nguy cơ - Giảm thiểu mức độ phơi nhiễm với các chất gây hại” (MRTP) vì “phù hợp với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.
Kịp thời đưa ra giải pháp kiểm soát TLĐT, TLLN
Trong suốt thời gian qua, mặc dù Bộ Y tế và Bộ Công thương đã nhiều lần họp để tìm tiếng nói chung về quản lý đối với TLĐT, TLLN nhưng chưa đạt được sự thống nhất.
Phát biểu tại phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 4-5/6, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: “Bộ Công thương đồng tình với ý kiến của Bộ Y tế là tạm dừng thông qua nghị định về quản lý thuốc lá thế hệ mới cho đến khi Bộ Y tế đánh giá chính thức về tác hại của sản phẩm này và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chấp thuận.
“Nếu Bộ Y tế khẳng định sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có hại sức khỏe tới mức phải cấm thì Bộ Công Thương ủng hộ là cần sớm sửa đổi quy định pháp luật liên quan để các loại sản phẩm này không được lưu hành ở chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng thì Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổng kết vấn đề này và tiếp tục đưa ra đề xuất về việc sửa đổi luật trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Phiên chất vấn. Ảnh: TL. |
Trước đó, tại phiên giải trình ngày 4/5, ông Nguyễn Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội, đã đề xuất nhận diện chính xác và đánh giá tác hại của TLĐT và TLLN. Ông Nguyễn Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Quản lý phải trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, năng lực cơ quan quản lý Nhà nước”. Vì vậy, Bộ Y tế cần có bằng chứng nghiên cứu đầy đủ về khoa học đối với TLĐT và TLLN.
Bên cạnh đó, ông Tạ Văn Hạ , Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội cũng cho rằng, cần thực hiện nghiên cứu và có công bố chính thức từ các cơ quan chức năng. Trong đó, “pháp lý và thực tiễn kinh nghiệm của quốc tế” là cơ sở quan trọng để Việt Nam hoàn thiện khung pháp luật cho TLLN, TLĐT.
Trong khi đó, thực tế cho thấy tỷ lệ buôn lậu TLĐT, TLLN ngày càng tăng và để lại nhiều nỗi lo lắng cho xã hội, nhất là khi giới trẻ trở thành đối tượng chính của các nhóm tội phạm, gian thương. Do vậy, thách thức đặt ra là nếu vẫn tiếp tục để trống khung pháp lý kiểm soát sản phẩm này trong một khoảng thời gian dài thì liệu có kiểm soát được tình trạng nhập lậu ngày càng gia tăng đối với thị trường chợ đen TLĐT, TLLN hay không?.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng để ứng phó hiệu quả, Việt Nam nên cân nhắc việc xem xét, công nhận các căn cứ khoa học, cũng như tham khảo pháp lý mới nhất từ các quốc gia đã đi trước (trong đó có cả các nước láng giềng như Philippines, Malaysia, Indonesia...) để xây dựng giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay./.