Quy hoạch tầm nhìn nội đô
(ĐCSVN) - Hà Nội đã chính thức công bố đồ án quy hoạch phân khu đô thị mới. Lần này, thành phố thông qua đồ án mới và hạ quyết tâm không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô. Đây là dấu mốc quan trọng để thành phố quy hoạch tầm nhìn nội đô thông qua việc cải tạo, xây dựng, tổ chức sắp xếp lại nhằm phát triển đô thị cân bằng, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Theo quy hoạch, các công trình cao tầng sẽ được bố trí dọc các tuyến vành đai, đường hướng tâm và các khu tái thiết. (Ảnh: M.P) |
Cụ thể, đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000, khu phố cổ, khu nội đô lịch sử, khu Hồ Gươm và phụ cận không xây nhà cao quá 16m; các khu phố cũ không xây nhà cao quá 22m; các khu vực hạn chế phát triển không xây nhà cao quá 25m.
Kèm theo đó, trong 10 năm tới, Hà Nội sẽ giảm khoảng 215.000 người trong bốn quận nội thành. Cụ thể, sẽ có 120.000 người thuộc diện giải phóng mặt bằng làm đường, lấn chiếm công trình công cộng được di dời; giảm cơ học 100.000 người khi di dời các trụ sở bộ, ngành ra khỏi khu vực trung tâm…
Việc làm thế nào để thực hiện lộ trình giãn dân khu vực đô thị lõi theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 được đánh giá là khó khăn, song không phải là thiếu khả thi. Bởi thế, đây là một trong những mục tiêu quan trọng của đồ án quy hoạch này.
Thực tế, nhiều năm qua, tại khu vực nội đô lịch sử tồn tại không ít bất cập, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề hệ thống hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ, đặc biệt là khu vực quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Các công trình công cộng đô thị, hệ thống cây xanh, công viên, không gian vui chơi, giải trí cũng còn thiếu so quy chuẩn hiện hành. Thêm đó, việc xuất hiện quá nhiều nhà cao tầng đã khiến mọi quy hoạch bị phá vỡ, diện tích dành cho xây dựng các bãi đỗ xe hạn chế, gây nên tình trạng quá tải và gây áp lực lớn cho hệ thống giao thông đô thị…
Để giải quyết bất cập trên, việc di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm, cơ sở đào tạo, y tế, trường đại học và một số trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô là việc làm cần thiết để giảm tải cho khu vực vùng lõi vốn ngày càng chật chội; đồng thời hạn chế phát triển nhà cao tầng tại khu vực này cũng như kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học. Theo dự kiến, đến năm 2030, khi thành phố triển khai đồng bộ các dự án di dân, việc giải phóng mặt bằng sẽ tạo ra một số diện tích đất để mở đường theo quy hoạch, tái thiết đô thị. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu, phát triển hệ thống bãi đỗ ngầm, không gian tĩnh, đường sắt trên cao, đường vành đai kết nối các khu vực…
Về cơ bản, các quy hoạch phân khu nội đô lịch sử cơ bản tuân thủ định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành. Trong đó, đất công cộng đô thị, hỗn hợp khoảng 284,54ha (đạt chỉ tiêu 4,39m²/người). Đất cây xanh, mặt nước, thể dục thể thao đô thị khoảng 247,14ha (đạt chỉ tiêu 3,82m²/người). Đất trường THPT khoảng 18,34ha (đạt chỉ tiêu 0,28m²/người, tương ứng 7,1m²/học sinh). Đặc biệt, diện tích đường giao thông đô thị đã tăng từ 213,95 ha lên từ 400 - 600 ha, chiếm diện tích 22,5% đất đô thị và phù hợp quy chuẩn.
Các công trình cao tầng sẽ được bố trí dọc các tuyến vành đai, đường hướng tâm và các khu tái thiết. Mật độ dân số cũng được thành phố định hướng, đặt một số mục tiêu giảm thiểu. Trong vòng 10 năm, sẽ giảm 215.000 người thuộc khu vực nội đô, bao gồm thông qua giải phóng mặt bằng và di dân cơ học. Khu vực có nhà cao tầng, sẽ ưu tiên giảm mật độ xây dựng, bổ sung thêm nhiều tiện ích khác.
Mục đích của đồ án mới xem ra khá cô đọng. Phân khu trung tâm được bó chặt vào các tiêu chí. Chỉ cần đúng tiến độ, thì chưa đầy hai nhiệm kỳ nữa, Thủ đô sẽ vãn hồi được trật tự đô thị.
Tuy nhiên, Hà Nội đã trải qua hơn một lần đổi đề án quy hoạch. Lần nào cũng được đánh giá khả thi, nhưng rồi lần nào cũng... gây thất vọng. Mật độ xây dựng, khống chế tầm cao, quản lý không gian, gia tăng tỷ lệ tiện ích đô thị… đều dần dần bộc lộ những bất cập và không được triển khai hiệu quả.
Thế nhưng, hiện Hà Nội đã có Luật Thủ đô, đã có cơ chế đặc thù. Tư duy mới, cùng sự tương hỗ của nền tảng cơ chế, chính sách tiệm cận hoàn thiện, mong rằng lần này, việc “quản quy hoạch tầm nhìn” của Hà Nội sẽ vượt qua khỏi những bất cập cố hữu, sớm và từng bước chứng minh hiệu quả, là nền tảng quan trọng cho xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại.
Phó Viện trưởng Quy hoạch Hà Nội Nguyễn Đức Hùng nhận xét, quy hoạch hướng tới việc phát triển hệ thống đường giao thông, đường sắt đô thị đồng bộ, đầy đủ, hệ thống bãi đỗ xe hiện đại, bảo đảm sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; cải thiện về cơ bản điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
Người dân Thủ đô kỳ vọng, khi quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được triển khai sẽ bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân theo đúng định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Và tương lai, Hà Nội với diện mạo mới hướng về một Thủ đô văn minh, hiện đại, trái tim của cả nước, xứng đáng với truyền thống nghìn năm văn hiến./.