Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quảng Nam: Xây dựng nông thôn mới trên vùng cát Bình Giang

Thứ Ba, 22/12/2015 14:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Vượt qua khó khăn của một xã bãi ngang ven biển, đến nay, qua 5 năm thực hiện Chương tình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Bình Giang (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã hoàn thành 19 tiêu chí xã nông thôn mới và về đích đúng kế hoạch. Đây là cơ sở để Quảng Nam nhân rộng với các xã nông thôn ven biển của tỉnh trong thời gian tới.

Nông thôn mới đi vào lòng dân

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Giang chia sẻ: Trước năm 2011 là thời điểm mà địa phương chưa triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), khó khăn còn nhiều, nhất là về vốn, bởi ngoài tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị xã hội là đạt được, Bình Giang còn đến 18/19 tiêu chí của bộ tiêu chí NTM do Trung ương quy định thật khó để hoàn thành trong thời gian 5 năm, nhất là trong điều kiện của xã bãi ngang ven biển, xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp.

“Đặc biệt, vào thời điểm đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn trên 32,6%, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 16 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư hạ tầng để phát triển sản xuất, tăng thu nhập cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm đạt chuẩn xã NTM là rất lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao, tập trung huy động sức người, sức của và mọi nguồn lực mới đáp ứng mục tiêu đặt ra”- ông Tùng cho biết.

Sau 5 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của xã Bình Giang
đã có nhiều đổi thay

Tuy nhiên, phát huy truyền thống anh hùng của xã vùng cát này trong chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân xã Bình Giang đã quyết tâm thực hiện thành công xã NTM theo chỉ đạo của UBND huyện Thăng Bình. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên được địa phương bắt tay vào làm là khảo sát từng lĩnh vực, từng địa bàn để đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể. Trên cơ sở đó hình thành Đề án xã NTM giai đoạn 2011-2015; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc gắn với tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài và phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng sẵn có trong xây dựng xã NTM đạt kết quả.

Khẳng định về những nhiệm vụ trọng tâm mà địa phương đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Anh, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Bình Giang cho biết, nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu được cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương triển khai là tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đồng thuận, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ và vật chất để đủ sức xây dựng xã NTM.

 

Theo ông Nguyễn Văn Anh, để chủ trương xây dựng xã NTM đi vào lòng dân qua nội dung tuyên truyền về mục tiêu, các tiêu chí, nhiệm vụ của công tác xây dựng xã NTM. Song song đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể cũng đã tâm huyết, giải thích cặn kẽ về các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng NTM để nhân dân hiểu. Ngoài ra, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, trường học và từng khu dân cư cũng thường xuyên chủ động phát động các phong trào thi đua xây dựng NTM….

“Một khi tư tưởng đã thông, người dân càng nâng cao hơn nhận thức và trách nhiệm của mình  đối với công tác xây dựng NTM. Nhờ đó, đến nay, từng người dân trong xã đã xem mình vừa là chủ thể xây dựng và đồng thời cũng là chủ thể hưởng thụ thành quả của NTM. Đây chính là động lực và cũng là nguồn lực vô cùng to lớn góp phần quan trọng để Bình Giang huy động, hoàn thành 19 tiêu chí xã NTM và là một trong hai xã đầu tiên của huyện Thăng Bình về đích trong Chương trình này”- ông Nguyễn Văn Anh chia sẻ.

Nhiều thành quả mang lại

Theo Chủ tịch UBND xã Bình Giang - ông Nguyễn Đình Tùng, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng NTM, Bình Giang xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ yếu và phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của mình. Do đó, Đảng bộ và nhân dân xã Bình Giang đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh. Cùng với nhiệm vụ trên, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã cũng đã tích cực tham mưu với Đảng ủy và UBND xã lãnh đạo thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa với hơn 230ha đất lúa gắn với cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng và xây dựng 3 cánh đồng mẫu lớn tại thôn 1, thôn 2 và thôn 3.

 

Dồn điền đổi thửa đã tạo thuận lợi hơn để đưa cơ giới hóa đến với nông nghiệp, 
góp phần làm thay đổi năng suất và tập quán canh tác lạc hậu trước đây

Việc dồn điền đổi thửa vừa tạo điều kiện cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên đồng ruộng, đưa cơ giới và áp dụng các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, từng bước khắc phục tình trạng mang mún ruộng đất, đồng thời cũng tạo thuận lợi để hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô lớn. Ngoài ra, dồn điền đổi thửa cũng là cơ sở để Bình Giang chuyển đổi diện tích trồng lúa bấp bênh, năng suất thấp sang sản xuất các loại xây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn như đậu phụng, mè, ngô và các loại rau màu khác…..

Ngoài ra, cũng theo ông Tùng, tận dụng lợi thế về địa hình vùng cát trắng rộng lớn của xã, người dân trên địa bàn đã đẩy mạnh phát triển nghề chăn nuôi, nhất là các đàn vịt, gà, bà, trâu, lợn….. Cạnh đó, tại các khu vực ven sông, ven đầm, bàu… UBND xã cũng đã chỉ đạo tăng cường quản lý thủy sản tự nhiên, quy hoạch phát triển thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhất là tôm sú, cua và một số loài thủy sản nước ngọt khác. UBND xã cũng đã quan tâm hỗ trợ, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nhằm giúp các hợp tác xã phát huy vai trò của “bà đỡ” cho kinh tế hộ tại địa phương ngày một lớn mạnh.

Trong khi đó, trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ, trong 5 năm qua xã Bình Giang đã tạo điều kiện cho hộ kinh doanh đầu tư mở rộng các dịch vụ thương mại và xây mới 01 chợ nông thôn tại khu vực thôn 4, đồng thời cải tạo, nâng cấp khu chợ Bà ở thôn 2. Xã cũng đã thu hút một số nhà đầu tư vào đầu tư phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống…. Qua đó góp phần giải quyết công ăn việc làm và từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp là chủ yếu sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Đặc biệt, từ sự chuyển đổi này đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của người dân trên địa bàn xã là 23 triệu đồng/người/năm (tăng 7 triệu đồng so với năm 2011) và giảm dần tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 0,98% tính đến nay (giảm 31,65% so với năm 2011), bình quân mỗi năm giảm 6% hộ nghèo.


Đại diện lãnh đạo xã Bình Giang đón nhận Quyết định và Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới
 do UBND tỉnh Quảng Nam trao tặng

 

Trên lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được chú trọng; các chương trình quốc gia về y tế được triển khai thực hiện chu đáo; cơ sở vật chất, thiết bị y tế cũng được đầu tư đúng mức. 

Cùng với đó, hệ thống trường lớp, chất lượng giáo dục ở các cấp học cũng được nâng lên. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được người dân quan tâm hưởng ứng tích cực, góp phần xây dựng đời sống vật chất, tinh thần lành mạnh cho cư dân nông thôn.

Đồng thời, vấn đề môi trường nông thôn được quan tâm làm tốt từ khâu công tác quy hoạch sản xuất và các khu vực dân cư. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Công ty môi trường huyện Thăng Bình, đến nay, tại 4 thôn của xã đều đã xây dựng các đội thu gom rác và phân loại chuyển về Công ty môi trường huyện xử lý.

Nói đến thành quả của NTM tại Bình Giang, ông Hồng Quốc Cường, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình chia sẻ, ông rất ấn tượng với sự hoạt động khá đồng đều và hiệu quả của hệ thống chính trị xã Bình Giang. Đặc biệt, nhiều năm liền Đảng bộ xã đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, đạt xã văn hóa, đoàn thể xuất sắc. Gắn với đó, đội ngũ cán bộ của xã cũng đã nâng lên cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn đạo đức tác phong. Trong đó, đáng kể là đội ngũ cán bộ đã gần dân, hiểu dân và tâm huyết với sự nghiệp của nhân dân./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

 

 

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN