Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phòng chống bạo lực gia đình là góp phần thúc đẩy bình đẳng giới

Thứ Năm, 21/09/2023 09:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ dân tộc thiểu số là góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, xã hội văn minh tiến bộ.

Những năm qua, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Vụ Dân tộc thiểu số - Ủy ban Dân tộc đã có nhiều phân tích các vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Theo công bố của các cơ quan này, bạo lực đối với phụ nữ nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng do chồng hoặc bạn tình gây ra thường là dạng bạo lực phổ biến nhất mà phụ nữ phải hứng chịu.

Các hình thức bạo lực gồm: bạo lực thể xác, bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và kiểm soát hành vi.

Tập huấn mô hình "Gia đình toàn mỹ" cho 10 cặp vợ chồng tại bản Phua Di Tổng, xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên (Ảnh: CTV)

Phụ nữ DTTS ít bị bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục và bạo lực tinh thần…

Trong 5 hình thức bạo lực nêu trên, tỷ lệ phụ nữ DTTS bị bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục và bạo lực tinh thần (trong đời và 12 tháng qua) đều thấp hơn so với tỷ lệ tương ứng của phụ nữ cả nước và phụ nữ Kinh.

Một số DTTS có tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước như: Mông (lần lượt là 12,2% và 4,8%), Khmer (lần lượt là 14,6% và 5,9%), Thái (lần lượt là 17,4% và 4,9%) và Mường (lần lượt là 20,3% và 4,9%). Tuy nhiên cũng có một số DTTS có tỷ lệ bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục rất cao như Nùng (lần lượt là 42,8% và 25,8%).

Tỷ lệ phụ nữ DTTS bị bạo lực tinh thần do chồng/bạn tình gây ra trong đời (43,7%) và trong 12 tháng qua (20,4%) đều thấp hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (lần lượt là 47,0 và 19,3%) và thấp hơn phụ nữ Kinh (lần lượt là 47,7% và 19,2%). Phụ nữ Mông có tỷ lệ bị bạo lực tinh thần thấp nhất, trong đời là 21,9% và trong 12 tháng qua là 5,8%. Tỷ lệ cao nhất nằm ở nhóm phụ nữ dân tộc Nùng với hơn một phần ba (34,9%) phụ nữ bị bạo lực tinh thần trong 12 tháng qua.

… Nhưng lại bị kiểm soát hành vi và bạo lực kinh tế cao hơn

Kết quả điều tra, phân tích của các cơ quan chức năng chỉ ra rằng tỷ lệ phụ nữ DTTS bị kiểm soát hành vi và bạo lực kinh tế lại cao hơn so với tỷ lệ tương ứng của phụ nữ cả nước và phụ nữ Kinh.

Tỷ lệ phụ nữ DTTS bị kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời (33,8%) và trong 12 tháng qua (17,4%) lại cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (lần lượt là 27,3% và 12,9%) và phụ nữ Kinh (lần lượt là 26% và 12%). Tỷ lệ này đặc biệt cao ở nhóm phụ nữ dân tộc Mông (54,7% trong đời và 25,6% trong 12 tháng qua) và dân tộc Dao (51,3% trong đời và 32% trong 12 tháng qua) mặc dù hai nhóm này có tỷ lệ trung bình về bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng/bạn tình gây ra thấp hơn.

Tỷ lệ phụ nữ DTTS bị bạo lực kinh tế do chồng/bạn tình gây ra trong đời (24,1%) và trong 12 tháng qua (16,4%) cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (lần lượt là 20,6% và 11,5%) và phụ nữ Kinh (lần lượt là 19,9% và 10,5%). Tỷ lệ này đặc biệt cao ở nhóm phụ nữ dân tộc Dao 45,8% trong đời và 28,6% trong 12 tháng qua.

Truyền thống mẫu hệ hay phụ hệ có ảnh hưởng đến bạo lực gia đình

Phân tích chỉ ra rằng tình hình bạo lực ở các dân tộc phụ thuộc khá nhiều vào truyền thống mẫu hệ hay phụ hệ của dân tộc đó. Trong các nhóm xã hội theo phụ hệ thì tập tục về vai trò và giá trị giới tương tự như ở nhóm dân tộc Kinh, ví dụ bị áp lực phải sinh được con trai.

Phụ nữ thuộc nhóm dân tộc theo truyền thống mẫu hệ, ví dụ như dân tộc Chăm có vẻ như có quyền lực và khả năng kiểm soát cao hơn trong gia đình. Phụ nữ thuộc nhóm dân tộc này không phải chịu áp lực sinh con trai nhưng lại bị áp lực sinh con gái. Mặc dù vậy, họ sẽ hỏi ý kiến chồng và lắng nghe sở thích của chồng để đảm bảo rằng họ làm cho chồng vui hoặc ít nhất cũng không làm chồng khó chịu theo kiểu không nghe lời chồng, trừ khi đó là một ông chồng “tồi”.

Đáng lưu ý là phụ nữ DTTS tin rằng họ không bị bạo lực nhiều như phụ nữ dân tộc Kinh. Nhiều phụ nữ DTTS có thái độ chấp nhận bạo lực do người chồng hoặc bạn tình gây ra hơn là phụ nữ người Kinh.

Những lý do dẫn đến phụ nữ DTTS bị bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra chủ yếu là: đi chơi mà không nói, bỏ bê con cái, cãi lại chống, từ chối quan hệ tình dục, nếu không làm việc nhà, nếu bị phát hiện không chung thuỷ…

Vấn đề là có tới 58,6% phụ nữ DTTS thuộc độ tuổi 15-49 cho rằng việc người chồng đánh người vợ là có thể chấp nhận được, cao hơn 10% so với phụ nữ người Kinh (Uỷ ban Dân tộc và UN Women, 2015). Có nhiều hành vi được phụ nữ DTTS chấp nhận được trong phong tục tập quán như: kiểm soát không cho đi gặp bạn bè, kiểm soát chi tiêu hay bắt phải quan hệ tình dục theo ý muốn.

Truyền thông xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em ở chợ phiên xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang (Ảnh: CTV) 

Đồng bộ thi hành nhiều giải pháp phòng chống bạo lực gia đình

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch,  vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, phức tạp hơn, đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình, gây ra những thiệt hại to lớn cho xã hội. Nếu không giải quyết kịp thời, sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, làm suy yếu động lực phát triển xã hội, rào cản đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Ông Chau Chắc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang khẳng định, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, không bạo lực là nền tảng để xây dựng xã hội văn minh tiến bộ.

Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, bạo lực gia đình ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào DTTS diễn ra phức tạp, công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở khu vực này gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên là do nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình của người dân và các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình ở khu vực này là rất cần thiết, ông Võ Mạnh Sơn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm.

Ngày 24/2/2022, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 85/QĐ-UBDT phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2030, giai đoạn I từ 2022 - 2025 nhằm thực hiện một số nhiệm vụ chính: Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đặc biệt dự án liên quan đến tảo hôn, bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số. Xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền hằng năm nhằm nâng cao nhận thức để xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bảo vệ sự ổn định và phát triển  của gia đình. Định kỳ hằng năm hướng dẫn, tổ chức chiến dịch truyền thông hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong các giải pháp để phòng chống bạc lực gia đình ở vùng DTTS thì công tác thông tin tuyên truyền có vai trò rất quan trọng. Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh giáo dục cho cả nam giới và phụ nữ DTTS, đặc biệt là giới trẻ các quy định của pháp luật về quyền của phụ nữ, về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; các cơ chế và bộ máy có trách nhiệm bảo vệ quyền của phụ nữ và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ở Trung ương và địa phương.

Khuyến khích nhân rộng hình thức ký cam kết hộ gia đình không có bạo lực gia đình và coi đây là một trong những hình thức thông tin truyền thông, giáo dục có hiệu quả.

Tăng cường hỗ trợ phụ nữ DTTS tiếp cận các dịch vụ pháp lý và trợ giúp pháp lý miễn phí. Nghiên cứu áp dụng hình thức tòa án lưu động tại cộng đồng để mọi người dân DTTS có thể tham dự. Đây là một biện pháp tốt nhằm thúc đẩy việc trao quyền pháp lý cho phụ nữ DTTS.

Phòng chống bạo lực gia đình là góp phần thúc đẩy bình đẳng giới một cách hiệu quả và toàn diện như đã cam kết về thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững ở Việt Nam đến năm 2030./.

Hoàng Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN