Phòng bệnh sốt virút cho trẻ nhỏ khi chuyển mùa
(ĐCSVN) - Thời tiết chuyển mùa luôn là điều kiện thuận lợi để các loại virút, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh và trẻ rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là sốt virút. Sốt virút có thể gây biến chứng, vì vậy, phụ huynh cần hết sức chú ý.
Bệnh bao giờ cũng có sốt, đặc biệt là sốt cao liên tục trong ngày, hoặc sốt về chiều, đêm. Thân nhiệt có thể lên tới 39 - 41 độ C, một số trẻ có thể bị co giật, nhất là trẻ dưới 36 tháng/tuổi. Một số trường hợp trẻ chỉ sốt nhẹ, nhất là trẻ suy dinh dưỡng, còi xương. Trẻ mệt mỏi, đau đầu, kém chịu chơi, ăn ít, ngủ ít, quấy khóc nhiều. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ bị đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, chơi nghịch được.
Ở một số trường hợp có thể có nổi ban sau 2 - 3 ngày bị sốt (thông thường khi ban xuất hiện, trẻ giảm sốt hơn). Có thể ho, chảy nước mũi do viêm long đường hô hấp hoặc kèm viêm theo kết mạc mắt (chảy nước mắt, có thể đỏ, có dử mắt). Một số trường hợp có rối loạn tiêu hóa (nôn nhiều lần, nhất là sau bữa ăn). Ngoài ra, trẻ có thể có viêm hạch ở vùng đầu, mặt, cổ. Hạch thường sưng to, gây đau làm cho trẻ rất khó chịu nên càng quấy khóc, ngủ ít.
Một số loại virút nào hay gặp như virút Myxo, virút Coxackie, virút Entero, virút sởi, virút thủy đậu, virút viêm não Nhật Bản, virút Dengue (sốt xuất huyết)... Tùy từng loại virút, chúng gây nên các bệnh ở các cơ quan khác nhau (viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, thủy đậu, sốt xuất huyết…), thường gặp là gây bệnh đường hô hấp. Sốt virút có thể lây từ người này sang người khác, đặc biệt là nhiễm virút qua đường hô hấp, tiêu hóa... có thể gây thành dịch.
Thông thường, trẻ bị sốt virút sau khoảng một tuần điều trị có thể khỏi. Tuy nhiên, trong trường hợp không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng về hô hấp (viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi), biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra và đáng ngại nhất là gây biến chứng não (trẻ bị co giật, hôn mê và nếu khỏi có thể để lại chứng nặng nề). Cần lưu ý, đối với biến chứng viêm phổi là biến chứng nặng, nguy hiểm, đặc biệt là bệnh có thể bùng phát thành dịch với diễn biến phức tạp.
Chẩn đoán sốt virút không đơn giản như một số người suy nghĩ, bởi vì, trẻ sốt với nhiều nguyên nhân khác nhau, cận kề nhất là trẻ viêm nhiễm vi khuẩn cũng sốt, thậm chí sốt cao. Vì vậy, trong thực tế ngay tại phòng khám bệnh cho dù là phòng khám bệnh của bệnh viện lớn cũng khó mà loại trừ ngay được các nguyên nhân gây sốt khác để khẳng định là sốt do virút, trừ khi có đủ các loại tét (que thử) chẩn đoán nhanh. Người bác sĩ khám bệnh sẽ dựa vào nhiều yếu tố để nghĩ đến có phải sốt virút hay không trong đó có kinh nghiệm của bản thân và yếu tố dịch tễ học.
Với trẻ sốt và đặc biệt sốt cao cần cho trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Trong khi chờ đợi đưa trẻ đi khám bệnh, nên làm giảm thân nhiệt cho trẻ bằng cách chườm khăn ấm (chườm mát): nhiệt độ của nước khi nhúng khăn vào phải thấp hơn nhiệt độ của trẻ khoảng 20C. Nên chườm ở trán, nách, bẹn và mặc quần áo mỏng, cởi bớt áo, quần và tã lót và cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát (không nên cho trẻ nằm phòng có máy lạnh với nhiệt độ lạnh quá hoặc không cho quạt xoáy vào người trẻ). Cần lưu ý là không chườm nước đá hoặc nước lạnh cho trẻ, bởi vì sẽ hạn chế sự tỏa nhiệt của trẻ, không hạ thân nhiệt được. Khi trẻ sốt cao trên 380C, nếu chườm mát mà thân nhiệt không giảm, nên cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt hoặc đặt thuốc hạ nhiệt loại đầu đạn vào hậu môn cho trẻ. Loại paracetamol đơn chất được khuyến cáo dùng cho trẻ khi sốt cao, liều lượng tính theo lứa tuổi (từ < 3 tháng/tuổi dùng 40mg, từ >3 - 11 tháng /tuổi dùng 80mg; từ 12 - 24 tháng/tuổi dùng 120mg. Trẻ trên 24 tháng/ tuổi dùng 10mg cho một cân nặng của trẻ). Nếu trẻ còn bú mẹ, cho trẻ bú bình thường, tốt hơn là tăng số lần cho bú và tăng thời gian cho trẻ bú. Cần cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, thức ăn nhuyễn, lỏng, dễ tiêu. Cần cho trẻ uống nhiều nước, loại nước tốt nhất là dung dịch 0rêzol (ORS). Với trẻ em nên dùng loại gói nhỏ 5,63g/ gói pha vào 200ml nước đã đun sôi, để nguội, lắc đều cho trẻ uống. Trẻ nhũ nhi, uống 50ml/lần, ngày cho uống khoảng 2 - 3 lần; trẻ trên 2 - 6 tuổi uống 100ml/ lần, ngày cho uống 2 - 3 lần; trẻ trên 6 - 12 tuổi cho uống mỗi lần khoảng 150 ml, ngày cho uống 2 - 3 lần. Ngoài ra nên cho trẻ uống thêm nước cam, nước chanh tươi. Cần cần lưu ý là không được truyền dịch tại gia đình hoặc các phòng khám tư nhân không có đầy đủ trang thiết bị, thuốc cấp cứu để xử trí khi truyền dịch bị sốc. Không tự động dùng kháng sinh.