Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phê duyệt Đề án Phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030

Thứ Hai, 10/06/2024 15:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa ban hành Quyết định số 966/QĐ-UBND, ngày 5/6/2024 về việc phê duyệt Đề án Phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Xây dựng 08 vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè tập trung gắn với các tua, tuyến, điểm du lịch khu vực Hồ Hòa Bình (không xung đột với giao thông thủy, đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt và không tác động tiêu cực đến vận hành thủy điện).

 Nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh: TL

Số lồng nuôi 10.000 lồng; sản lượng đạt 16.000 tấn/năm; giá trị sản xuất thủy sản đạt 500 tỷ đồng/năm. 100% cơ sở nuôi cá lồng nắm được kiến thức về kỹ thuật nuôi cá lồng, bảo vệ môi trường sinh thái và nghiệp vụ hướng dẫn, quản lý hoạt động du lịch. 80% cơ sở nuôi cá lồng áp dụng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) hoặc tương đương kết hợp với các hoạt động du lịch như tham quan, học tập, câu cá giải trí và trải nghiệm về nuôi thủy sản, tạo ra sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, góp phần thu hút khoảng 1.600.000 lượt khách du lịch đến với khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình. Giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động với khoảng 1.600 lao động trực tiếp.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung theo đề án. Tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án định kỳ hàng năm và 05 năm. Đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các dự án ưu tiên thuộc Đề án được phân công. Phối hợp với các đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành các vùng sản xuất thủy sản tập trung gắn với chỉ dẫn địa lý, mã số vùng nuôi đáp ứng nhu cầu quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tổ chức phát triển các mô hình nuôi thủy sản lồng bè trên hồ chứa gắn với du lịch. Hướng dẫn, tâp huấn kỹ thuật nuôi cá lồng bè và tuyên truyền phổ biến pháp luật về thủy sản. Mời các doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản. Phối hợp với các đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm như: công nghệ ương, nuôi bể nổi, công nghệ Biofloc, Semi-Bifloc, công nghệ tuần hoàn, nhà kín... để tăng năng suất, giá trị sản xuất thủy sản. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng bản đồ số hóa dữ liệu quan trắc, cảnh báo môi trường nguồn nước các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh, để tích hợp vào hệ thống dữ liệu quan trắc nuôi trồng thủy sản quốc gia. Phục vụ cho hoạt động nuôi trồng, truy xuất dữ liệu về môi trường. Chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng bản đồ dịch tễ kiểm soát, phòng chống các loại dịch bệnh thủy sản nguy hiểm theo quy định cảnh báo của cơ quan có thẩm quyền, Tổ chức Thú y thế giới IOE trên đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thực hiện các thủ tục hành chính lĩnh vực thủy sản.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung theo đề án. Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện đề án định kỳ hàng năm và 05 năm. Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch phát triển thủy sản hồ chứa gắn với du lịch giai đoạn 2023 - 2030 của địa phương để triển khai thực hiện. Tổ chức triển khai thực hiện việc cắm phao giới hạn, phao tín hiệu vùng nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch, neo đậu lồng bè trên địa bàn. Giao quyền quản lý, sử dụng vùng nước thủy nội địa cho các tổ chức cộng đồng ngư dân thực hiện đồng quản lý, bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Tổ chức quản lý các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản, tham quan, du lịch theo thẩm quyền. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển thủy sản trên địa bàn. Hàng năm bố trí, dành nguồn vốn ngân sách địa phương cho việc triển khai nội dung Đề án trên địa bàn./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN