Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hải Dương: Tăng trưởng kinh tế đứng 7 cả nước

Thứ Năm, 04/07/2024 08:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tỉnh Hải Dương ước đạt 10%; trong đó, công nghiệp tiếp tục là mũi nhọn với tăng trưởng 14,31%; đóng góp 7,04 điểm% vào tăng trưởng chung. Tăng trưởng 6 tháng đầu năm của tỉnh cao thứ 7/63 cả nước và thứ 3/11 Vùng ĐBSH; thu nhập của người dân đứng 10/63 cả nước.

Ngành sản xuất xe có động cơ có tỷ trọng lớn, tốc độ tăng cao, tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành...

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tăng trưởng GRDP quý I của tỉnh Hải Dương đạt 10,11%, quý II ước đạt 9,91%. Hải Dương đứng thứ 7 cả nước về tăng trưởng GRDP sau các tỉnh thành: Trà Vinh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bắc Giang, Hà Nam và TP Hải Phòng; đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng sau TP Hải Phòng và tỉnh Hà Nam.

So với nửa đầu năm 2023, GRDP của tỉnh Hải Dương đã tăng lên 8 thứ hạng trên cả nước và tăng lên 4 thứ hạng trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Phân tích cụ thể cho thấy, tăng trưởng quý I sơ bộ đạt 10,11% cao hơn số liệu ước tính trước đó (+9,80%) là 0,31 điểm%; nguyên nhân là do các ngành nông, lâm, thủy sản, công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ đều tăng trưởng thực tế cao hơn so với số ước tính. Tăng trưởng quý II ước đạt 9,91% thấp hơn so với tăng trưởng quý I do hầu hết các ngành sản xuất đều tăng chậm lại.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, một số điểm nổi bật trong bức tranh tăng trưởng 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản uớc tăng 3,52% do chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản tăng ổn định; Năng suất vụ đông và lúa chiêm xuân đều tăng so với cùng kỳ. Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 13,71%. Trong đó, công nghiệp tăng 14,3% do các ngành sản xuất đều tăng trưởng khá đồng đều với 34/36 ngành công nghiệp tăng; xây dựng tăng 7,3% do nhu cầu xây dựng trong dân cư yếu, ít công trình mới khởi công.

Khu vực dịch vụ ước tăng 6,9% chủ yếu do tiêu dùng dân cư vẫn tăng ổn định; vận tải, dịch vụ hỗ trợ sản xuất tăng khá; tác động tích cực từ việc tăng lương cơ sở của công chức, viên chức giữa năm 2023 ở các ngành QLNN, y tế, giáo dục.

Tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 14.284 tỷ đồng, đạt 72,7% dự toán, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa 12.366 tỷ đồng, đạt 76% dự toán, tăng 50%; thu xuất nhập khẩu 1.924 tỷ đồng, đạt 71% dự toán, tăng 4%. 

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm đạt 180.034 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có tỷ trọng lớn, tốc độ tăng cao, tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành gồm: Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 18,9%; Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 13,1%; Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 10,9%; Ngành sản xuất thiết bị điện tăng 44,9%; Ngành may mặc tăng 13,4%; Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 12,0%...

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 26.529 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước (quý I +12,8%; quý II +10,6%). Trong đó, vốn nhà nước tăng 27,9%; vốn ngoài nhà nước tăng 5,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 20,4%.

Thu hút đầu tư trong nước được 31 dự án mới, với tổng vốn đăng ký 5.796 tỷ đồng, gấp 10,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều chỉnh 73 lượt dự án, với tổng vốn tăng thêm 2.064 tỷ đồng.

Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 178,3 triệu USD bằng 80% cùng kỳ; trong đó, cấp mới 30 dự án với số vốn 134,4 triệu USD; 13 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn 40,9 triệu USD…/.

Hoa Hiền

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN