Lào Cai: Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
(ĐCSVN)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai vừa ban hành Chỉ thị số 48-CT/TU về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.
Lào Cai tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TL |
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn với việc thực hiện các quy định, chỉ thị, kết luận của Đảng về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức trong cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình; lên án mạnh mẽ những hành vi tham nhũng, tiêu cực; không bao che, né tránh; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân điển hình, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt chú trọng thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lấy phòng ngừa, cảnh báo làm chính, phòng ngừa từ sớm, từ xa. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ công vụ; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót của cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ.
Tăng cường rà soát, khắc phục những sở hở, bất cập trong cơ chế, chính sách. Ban hành các quy trình, quy chế làm việc cụ thể, gắn trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể trong thực thi công vụ.
Lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm bố trí nguồn lực để cấp cơ sở đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ, nhằm hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; bố trí cán bộ ở cơ sở phải có trình độ chuyên môn phù hợp, có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp; thực hiện chuyển đổi, sắp xếp vị trí công tác theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, kiên thức pháp luật đê tự nhận diện, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, không để cán bộ, đảng viên vi phạm do thiếu hiểu biết.
Thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản công; các công trình, dự án có sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước; quản lý tài nguyên, khoáng sản; chế độ chính sách đối với người dân, cộng đồng. Chủ động kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, góp phần răn đe, cảnh tỉnh và giáo dục cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên; kịp thời nắm bắt thông tin, báo cáo về việc cán bộ, đảng viên, công chức bị kiểm tra, điều tra, xác minh, xử lý trách nhiệm do có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Xử lý nghiêm minh, kịp thời, triệt để đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực và các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan, bảo đảm đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với xử lý kỷ luật hành chính và xử lý hình sự; giữa trách nhiệm của người trực tiếp có hành vi tham nhũng, tiêu cực với trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu khi để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện hiệu quả các quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cấp ủy, tổ chức Đảng cơ sở và các cơ quan, đơn vị trực thuộc; khi phát sinh vụ việc, thông tin, phản ánh về dấu hiệu mất dân chủ, mất đoàn kết, không bảo đảm công tác bảo vệ chính trị nội bộ, cần kịp thời chỉ đạo xem xét, xử lý ngay từ cơ sở. Tập trung giải quyết các vấn đề, vụ việc tôn đọng, phức tạp, kéo dài, không để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm trước những bức xúc, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, nhất là giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường công tác phối hợp với ban cán sự, đảng ủy các cơ quan tư pháp trong phát hiện, xử lý, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực./.