Phát triển làng nghề nông thôn trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
(ĐCSVN) - Mục tiêu Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh là phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Mô hình trồng rau nhút của hội viên Hội Nông dân xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè. |
UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mục tiêu chung là phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Mục tiêu đến năm 2030: khôi phục, phát triển, công nhận các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Hàng năm mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng thực hiện ít nhất 1 dự án phát triển ngành nghề nông thôn theo từng ngành nghề, từng lĩnh vực bằng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình mục tiêu quốc gia.
Hỗ trợ cơ sở ngành nghề, làng nghề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại; hỗ trợ phát triển sản phẩm, gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó: mỗi huyện có ít nhất 1 điểm trưng bày sản phẩm ngành nghề của địa phương; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm, tiếp cận giải pháp, công nghệ xử lý chất thải; đào tạo lao động ít nhất 500 người/năm (lao động cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, lao động tại các làng nghề); xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề.
Tầm nhìn đến năm 2045: ngành nghề nông thôn tiếp tục là hoạt động mang lại thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh. Phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng phát triển bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống của vùng miền.
Để đạt được những mục tiêu trên, kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới là: đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất; bảo tồn và phát triển làng nghề; phát triển ngành nghề nông thôn gắn với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm; bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề; chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn...Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này, đảm bảo hiệu quả, đúng theo quy định và đúng mục tiêu đề ra./..