Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát triển bền vững huyện đảo Cô Tô dựa trên kinh tế biển xanh

Thứ Sáu, 22/03/2024 11:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Với cách tiếp cận từ lý luận đến thực tiễn, nội dung cuốn sách “Phát triển bền vững huyện đảo Cô Tô dựa trên kinh tế biển xanh” đã phân tích những vấn đề thực tiễn trong phát triển bền vững dựa trên kinh tế biển xanh cho tỉnh Quảng Ninh, những vấn đề đặt ra và giải pháp cho huyện đảo Cô Tô trong chiến lược phát triển bền vững những năm tiếp theo.

Nhà xuất bản khoa học xã hội Việt Nam đã xuất bản cuốn sách “Phát triển bền vững huyện đảo Cô Tô dựa trên kinh tế biển xanh”. Sách được ra mắt nhân sự kiện đặc biệt, kỷ niệm 30 năm thành lập huyện đảo Cô Tô (23/3/1994 – 23/3/2024), do tác giả TS Nguyễn Việt Dũng (Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô) và TS Đoàn Thị Thu Hương (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đồng chủ biên.

Cuốn sách sẽ là tài liệu quý báu về kinh tế, địa lý, lịch sử, văn hóa, con người của Cô Tô, đặc biệt cuốn sách cung cấp những thông tin, tư liệu và một cách tiếp cận mời trong phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường. Đặc biệt là phát triển phải dựa trên nền tảng kinh tế biển xanh phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam.

Cuốn sách “Phát triển bền vững huyện đảo Cô Tô dựa trên kinh tế biển xanh”. 

Chia sẻ về nội dung cuốn sách, tác giả Nguyễn Việt Dũng (Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô) cho biết: Cô Tô có vị trí chiến lược trong đảm bảo an ninh quốc phòng, là tiền đồn bảo vệ cho cửa ngõ miền Bắc. Cô Tô đã được Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Ninh quan tâm hướng đến xây dựng huyện đảo phát triển kinh tế, xã hội bền vững gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng cho rằng, phát triển kinh tế biển xanh đang là xu hướng được nhấn mạnh trên toàn cầu để góp phần hồi sinh biển và đại dương. Kinh tế biển xanh bao gồm tất cả các ngành kinh tế biển truyền thống nhưng với cách tiếp cận mới, bền vững... Xu thế hiện nay, kinh tế biển xanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững trên cơ sở duy trì nguồn vốn tự nhiên biển nhằm tiếp tục cung cấp các nguồn tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của con người.

Vì vậy, việc tiếp cận phát triển kinh tế biển bền vững huyện đảo Cô Tô theo hướng tiếp cận kinh tế biển xanh, định hướng phát triển năng động, toàn diện của tỉnh Quảng Ninh sẽ góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép là phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, chủ quyền, biển đảo.

 Một mô hình phát triển dựa trên kinh tế biển xanh ở Thanh Lân, Cô Tô.

Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô nhận định, trong nội dung của cuốn sách đã khái lược rất rõ về vị trí địa kinh tế, địa chiến lược quan trọng, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã xác định phát triển kinh tế biển xanh, bền vững, định hướng phát triển năng động, toàn diện của tỉnh Quảng Ninh, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép là phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, chủ quyền, biển đảo.

Đề cập đến cách tiếp cận phát triển bền vững cấp huyện ở huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội thủy sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV đánh giá Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những khía cạnh lý luận, thực tiễn về phát triển bền vững kinh tế biển, kinh tế biển xanh, quá trình chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” ở tỉnh Quảng Ninh và huyện đảo Cô Tô. Trên cơ sở đó, các tác giả lựa chọn cách tiếp cận phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên nền tảng phát triển kinh tế biển xanh ở cấp độ huyện đảo. Do vậy, các vấn đề và thông tin được giới thiệu trong cuốn sách này rất đáng tham khảo và cần sự chia sẻ để kinh tế biển xanh ở nước ta sẽ phát triển thực chất, hiệu quả phù hợp với các cấp độ và thực tế địa phương.

Cuốn sách “Phát triển bền vững huyện đảo Cô Tô dựa trên kinh tế biển xanh” được nghiên cứu ở 4 chương. Trong đó, chương 1 về cơ sở lý luận và thực tiễn, làm rõ được khái niệm, nội hàm về phát triển bền vững dựa trên nền tảng kinh tế biển xanh. Các xu hướng và kinh nghiệm quốc tế trong phát triển kinh tế biển xanh, từ đó gợi mở những vấn đề cho Việt Nam.

Trong chương 2 và chương 3, phân tích tiềm năng và hiện trạng phát triển kinh tế biển xanh cho Việt Nam, Tập trung phân tích, làm rõ phát triển kinh tế biển Việt Nam và kinh tế biển đảo tỉnh Quảng Ninh và vai trò trong phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam… Từ đó, yêu cầu phải đưa ra một cách tiếp cận mới trong phát triển bền vững, dựa trên nền tảng kinh tế biển xanh. Quá trình chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh tỉnh Quảng Ninh.

Chương 4 là toàn bộ nội dung về phát triển bền vững kinh tế biển xanh cho phát triển bền vững huyện đảo Cô Tô và mối liên hệ với kinh tế biển đảo của Quảng Ninh và cả nước. Nội dung này phân tích những đặc thù, tiềm năng, phương thức, giải pháp cơ bản, cụ thể cho phát triển kinh tế biển xanh đối với huyện đảo.

Có thể khẳng định, với cách tiếp cận vấn đề từ lý luận đến thực tiễn, từ cơ sở lý luận phát triển bền vững, kinh tế biển xanh trên toàn cầu, kinh nghiệm quốc tế và bài học thành công. Nội dung cuốn sách đi đến phân tích những vấn đề thực tiễn trong phát triển bền vững dựa trên kinh tế biển xanh cho tỉnh Quảng Ninh, những vấn đề đặt ra và giải pháp cho huyện đảo Cô Tô trong chiến lược phát triển bền vững những năm tiếp theo./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN