Cô Tô hướng tới một huyện đảo không có rác thải nhựa
(ĐCSVN) – Để xây dựng Cô Tô (Quảng Ninh) thành huyện đảo không rác thải nhựa là hoạt động dài hơi, nhiều khó khăn nhưng chính quyền địa phương vẫn đang nỗ lực thực hiện những phương án hợp lý, triển khai đồng bộ và quyết liệt.
Cô Tô là huyện đảo tiền tiêu, biên giới nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh; có đường biên giới biển trên 100 km. Cô Tô còn có cảnh quan thiên nhiên đẹp, vẫn giữ được vẻ hoang sơ, có tiềm năng phát triển du lịch và du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế của huyện; hằng năm đón 300.000 lượt khách. Cô Tô đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển kinh tế nhanh là vấn đề bảo vệ môi trường cũng là một bài toán thách thức đối với sự phát triển bền vững của Cô Tô trong tương lai.
Cô Tô còn có cảnh quan thiên nhiên đẹp, vẫn giữ được vẻ hoang sơ, có tiềm năng phát triển du lịch. |
Trong giai đoạn đầu mới thành lập huyện Cô Tô, do nhận thức không đồng đều, ý thức bảo vệ môi trường còn hạn chế, tình trạng người dân trên đảo và các phương tiện khai thác thuỷ sản trên vùng biển Cô Tô xả thải rác sinh hoạt, rác thải nhựa xuống biển là phổ biến. Đặc biệt, mỗi khi có sự biến động về thời tiết, sóng to, gió lớn kéo theo lượng lớn rác thải đại dương trôi dạt vào đảo dài hàng km. Trong những ngày cao điểm mùa du lịch, có từ 20 đến 25 tấn rác thải, riêng lượng rác thải đại dương có thời điểm khoảng 3-5 tấn/ngày, trong khi đó việc xử lý còn hạn chế nên đã gây ra những hệ lụy rất xấu cho môi trường, đe dọa trực tiếp đến hoạt động du lịch và bảo tồn biển của Cô Tô, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đây là vấn đề báo động đối với môi trường biển đảo Cô Tô.
Xác định môi trường hết sức quan trọng đối với sự phát triển của huyện nên từ năm 2015, Cô Tô đã khởi xướng việc không dùng túi nilon, đồ nhựa trên đảo nhưng đến năm 2018 mới bắt đầu thực hiện, tuy nhiên không mang lại hiệu quả như mong muốn. Trước thực trạng trên, huyện Cô Tô đã đưa nội dung bảo vệ môi trường vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cô Tô lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025; ngày 4/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Quyết định số 175 phê duyệt Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” nhằm góp phần bảo vệ và giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa đối với biển, đảo. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”, triển khai trong cả hệ thống chính trị, lấy cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị làm nòng cốt trong thực hiện và tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, huyện Cô Tô đã có nhiều giải pháp thực hiện để giảm rác thải nhựa như: tuyên truyền về tác hại của rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng đối với phát triển du lịch của huyện; duy trì dọn vệ sinh toàn huyện vào thứ 5 hằng tuần; sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước ở các thôn/khu phố; triển khai ký cam kết đối với 100% nhà hàng, khách sạn, các tiểu thương tại trung tâm thương mại, các hộ dân... về sử dụng túi nilon sinh học, hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần và phân loại rác tại nhà, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời những nhà hàng, khách sạn, hộ gia đình khi không thực hiện đúng cam kết với địa phương; đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa cho học sinh và phong trào “kế hoạch nhỏ” thu gom, nhặt rác thải nhựa bán gây quỹ đội; tổ chức dọn vệ sinh môi trường từ trong nhà trường đến bãi biển...
Về thời gian tới, huyện đảo Cô Tô sẽ phát huy những kết quả đã đạt được và quyết tâm, quyết liệt triển khai có hiệu quả Đề án “Huyện đảo Cô Tô không rác thải nhựa”. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về không đổ thải chất thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung gắn với thực hiện các chế tài đã được quy định; Tập trung thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, thu gom và xử lý rác thải; ngăn chặn việc xả thải rác từ các phương tiện tàu, thuyền xuống biển; không sử dụng túi nilon khó phân hủy, các sản phẩm từ chất liệu nhựa dùng 1 lần; Ngăn chặn những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến môi trường biển, đảo để bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên biển, bảo đảm sinh kế người dân, đồng thời giữ được cảnh quan, môi trường tự nhiên, gắn với phát triển du lịch bền vững...