Ô nhiễm tiếng ồn: Khẩn cấp và quyết liệt xử lý
(ĐCSVN) - Bài toán ô nhiễm tiếng ồn đã được đặt ra từ lâu, nhưng dường như chưa có biện pháp xử lý triệt để. Từ thực tế cho thấy, tiếng ồn đã ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân. Đã có những bức xúc dẫn đến cự cãi, thậm chí xô xát, án mạng xảy ra cũng xuất phát từ nguyên nhân này.
Hiểm họa khôn lường
Ảnh minh họa (nguồn: Báo Tuổi trẻ) |
Nói về tác hại của tiếng ồn, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng cho biết, cường độ âm thanh ở mức trung bình trên dưới 50 dB là chấp nhận được, còn từ 80 dB trở lên thì có thể gây điếc. Trong khi đó, những tiếng hát lớn có khuếch đại thì cường độ lên tới 110 dB, gấp đôi bình thường. Điều đó gây tác hại với sức khỏe, ảnh hưởng tới giấc ngủ. Những người sống và tiếp xúc cường độ âm thanh lớn, thì thường không có giấc ngủ ngon.
Ông cũng dẫn chứng một thống kê cho thấy, nếu thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn thì mức độ sử dụng thuốc an thần cao hơn bình thường mà cũng không tạo ra giấc ngủ bình thường được. Năng suất lao động ảnh hưởng lớn vì về nhà nghỉ ngơi rồi vẫn bị “tra tấn” bởi tiếng ồn. Về lâu dài, ảnh hưởng từ tiếng ồn dẫn đến các bệnh về tâm thần, tim mạch, tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhất là đối với những người lớn tuổi. Dễ nhận thấy nhất là tiếng ồn ảnh hưởng đến tâm lý, gây bức xúc cho người dân. Từ bức xúc đó, có thể dẫn đến tranh cãi thậm chí xô xát, án mạng xảy ra.
Trên thực tế, chúng ta đã thấy có rất nhiều vụ án mạng đau lòng xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ sự “tra tấn” của những thứ âm thanh được sử dụng với âm lượng “quá tải”, trong đó đặc biệt là từ việc hát karaoke. Người mở loa to, người bị làm phiền dẫn tới cãi vã. Trong trường hợp này, nếu không kiềm chế được, rất có thể từ hàng xóm của nhau thậm chí ruột thịt trong gia đình mà người mất mạng, kẻ vướng vòng lao lý.
Chúng ta ắt hẳn vẫn còn ám ảnh về vụ án mạng thương tâm xảy ra vào ngày 21/11/2018, tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Sự việc xảy ra khi phòng trọ bên cạnh hát karaoke quá ồn ào nên hai bên đã xảy ra cãi vã, ẩu đả và cái kết khiến cho 1 người chết, 2 người bị thương.
Hay như trước đó, vào tháng 3/2018 tại thôn Bình Tiến A, xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Minh Phước và nhóm bạn sau khi nhậu xong đã kéo về nhà một bạn nhậu hát karaoke. Hàng xóm là ông Nguyễn Viết Lộc cũng vừa đi nhậu về, cần nghỉ ngơi. Nghe tiếng hát từ nhà hàng xóm, quá bực tức, ông Lộc sang cự cãi, rồi về vác dao sang nhà hàng xóm “nói chuyện” tiếp, cuối cùng ông này đã đâm ông Phước tử vong.
Cách đây không lâu, tại TP Hồ Chí Minh, Công an TP cũng vừa kết thúc điều tra và đề nghị truy tố một nhóm 8 người về tội giết người. Câu chuyện xuất phát từ 2 nhóm ngồi nhậu trong quán. Một nhóm lấy loa kéo ra hát karaoke để không khí thêm sôi động. Cao hứng, người ngồi bàn kế bên sang mượn micro, hát xong rồi quay về chỗ ngồi cũ và nhìn cười. Chỉ bấy nhiêu, sau đó 2 nhóm hỗn chiến khiến 2 người tử vong tại chỗ…
Còn rất nhiều vụ án mạng khác đã xảy ra. Hậu quả thì thấy quá rõ, nhưng thời gian qua, việc xử lý nạn ô nhiễm tiếng ồn chưa quyết liệt, phần vì các cơ quan chức năng còn chưa hiểu hết các quy định, sự phối hợp trong cách xử lý cũng còn hạn chế, quy định xử phạt còn chưa đủ mạnh…
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ, hiện nay, việc xử lý vi phạm về tiếng ồn được thực hiện theo Nghị định 155/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, trật tự, xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, mức phạt tiền Nghị định 167 quy định chỉ từ 100.000-300.000 đồng nên không đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, quy định chỉ xử phạt từ 22 giờ đến 6 giờ hôm sau, thì các khung giờ khác đang bị bỏ ngỏ. Hơn nữa, đây cũng là khoảng thời gian ngoài giờ hành chính nên UBND quận, huyện, phường xã khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm để có thể kịp thời xử lý. Ngoài ra, máy móc, thiết bị đo tiếng ồn vẫn là rào cản trong công tác xử lý. Bởi, để xử lý các trường hợp vi phạm về tiếng ồn phải đo tiếng ồn, xác định vượt quá quy chuẩn cho phép. Trong khi các phường xã không có thiết bị đo tiếng ồn, phải gọi đơn vị có chức năng. Thêm vào đó, loa kéo hát karaoke được xác định là nguồn gây ồn song loại này không cố định, dễ di chuyển, dễ điều chỉnh khi cần, có tính đặc thù nhưng pháp luật chưa quy định cụ thể trong việc xử lý...
Rất cần sự đồng hành của người dân
Những chiếc loa công suất lớn gây đinh tai nhức óc được những người hát rong bán dạo sử dụng để thu hút người nghe trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Định |
Câu chuyện về ô nhiễm tiếng ồn hiện đang là vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm đồng thời cũng là nội dung được đưa ra bàn thảo tại nhiều cuộc họp, nhất là tại các thành phố lớn.
Về giải pháp, hầu hết các ý kiến đều thống nhất cao rằng, hiện nay, cần tăng mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm về tiếng ồn. Đồng thời kiến nghị bổ sung thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn của UBND phường, xã. Đối với những nội dung về xử lý tiếng ồn mà pháp luật chưa có chế tài thì nên đưa vào hương ước, quy ước tại cộng đồng dân cư để người dân cam kết tuân thủ. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi để “khai tử” nạn ô nhiễm tiếng ồn chính là việc nâng cao ý thức của mỗi người dân, làm sao để người dân hiểu ra sai phạm và đồng hành cùng chính quyền thì hiệu quả mới bền vững.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh, không chấp nhận một đô thị lớn mà từ khu dân cư đến quán ăn, cửa hàng, cửa hiệu đều ra rả mở loa công suất cao, ảnh hưởng đến người dân. Đây là hành vi không phù hợp trong đô thị, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân TP. Vì thế, TP Hồ Chí Minh tìm cách xử lý cho bằng được những vấn đề làm giảm chất lượng cuộc sống, quyết tâm xử lý triệt để, nghiêm túc hành vi gây ra tiếng ồn.
Chiều 19/3, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan ký văn bản khẩn gửi thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm tiếng ồn.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ chia đợt xử lý vi phạm tiếng ồn làm 2 khoảng thời gian. Trong thời gian từ 25/3 đến 30/6, toàn địa bàn sẽ tập trung công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở. Cao điểm thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm bắt đầu từ ngày 30/6.
Cũng liên quan tới nội dung này, vừa qua, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã có văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý ô nhiễm tiếng ồn do các hoạt động mở nhạc, hát karaoke trong khu dân cư, đô thị trên địa bàn.
Theo đó, người đứng đầu Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, địa phương kiên quyết xử lý dứt điểm, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, là tiêu chí xem xét thi đua, đánh giá hoàn thành nhiệm vụ và xét nhận gia đình văn hóa trong năm... Các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra phát hiện, tiếp nhận phản ánh của công dân về các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư. Trường hợp không chấp hành, tái phạm nhiều lần thì xử lý, xử phạt theo đúng quy định, đồng thời công khai người (hộ gia đình) vi phạm tại cuộc họp tổ dân phố.
Có thể nói, với quyết tâm của các cấp chính quyền, cùng với những quy định, công cụ pháp luật, hy vọng vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn sẽ sớm được xử lý triệt để, đem lại cuộc sống bình yên, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Người dân đang kỳ vọng vào sự quyết tâm, quyết liệt của chính quyền, mà đặc biệt là vai trò của người đứng đầu.
Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, tiếng ồn phát sinh từ nhiều nguồn, trong đó được chia thành 4 nguồn chính: - Từ hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, dịch vụ có quy mô lớn như vũ trường, quán bar, beer club… - Từ quán nhậu vỉa hè mở nhạc, hát loa di động công suất lớn, cường độ âm thanh lớn. - Từ các hộ gia đình có trang bị dàn âm thanh, loa, karaoke, máy phát nhạc, chiếu phim; hộ gia đình thuê dàn nhạc để ca hát hoặc các sinh hoạt văn hóa gia đình như tiệc cưới, lễ tang, sinh nhật và các dạng sinh hoạt đám mừng, liên hoan khác… - Các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát quảng cáo (siêu thị, chợ, tiệm photocopy, các điểm quảng cáo…), địa điểm sinh hoạt công cộng (công viên, nhà thờ, chùa…). |