Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Những thay đổi trong quan điểm và phương thức xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam

Thứ Ba, 10/10/2017 16:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trước đây, công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) thường được nhìn nhận là sự hỗ trợ phần lớn hoặc cho không của Nhà nước đối với người nghèo. Để phù hợp với tình hình mới, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thay đổi quan điểm, phương thức XĐGN theo hướng giảm dần sự hỗ trợ cho không, phát huy tinh thần tự lực của người dân nghèo, giúp họ tự vươn lên thoát nghèo đa chiều và bền vững.

Khuyến khích người dân tự nâng cao năng lực sản xuất, chủ động thoát nghèo.
 Ảnh minh họa: Trần Quỳnh

Từ thay đổi về quan điểm trong công tác XĐGN...

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, thành lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), một trong sáu nhiệm vụ hàng đầu được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Cách mạng lâm thời xác định, đó là phải “diệt giặc đói”… Nhiệm vụ đó được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và toàn thể nhân dân liên tục thực hiện trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; sau này tiếp tục được duy trì và phát huy trong công cuộc kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhưng đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (năm 1996), công tác XĐGN bắt đầu được nhìn nhận và tiếp cận một cách khá toàn diện và khoa học. Báo cáo chính trị Đại hội VIII nhấn mạnh: “Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xoá đói, giảm nghèo, không để diễn ra chênh lệch quá đáng về mức sống và trình độ phát triển giữa các vùng, các tầng lớp dân cư”[1].

Sau Đại hội VIII, chủ trương này được cụ thể hoá thành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công bằng, bình đẳng, tiến bộ xã hội, và tiếp tục được duy trì, phát triển trong những kỳ Đại hội sau. Trên thực tế, từ chủ trương của Đảng, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đều đã thực hiện đồng bộ và hiệu quả công tác XĐGN, thu được nhiều kết quả to lớn, làm cho bộ mặt kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới không ngừng phát triển; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm đều qua từng năm.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này và nhiều năm về sau, công tác XĐGN chủ yếu được thực hiện theo phương thức Nhà nước hỗ trợ phần lớn hoặc cho không. Ở cấp quốc gia, khi đó, Việt Nam là một nước nghèo, chậm phát triển nên nhận được khá nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, ưu đãi của cộng đồng quốc tế, vì vậy chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản trị các nguồn lực XĐGN; công tác XĐGN ở một số địa phương đạt hiệu quả không cao; nguồn vốn thiếu tập trung, cá biệt có trường hợp chạy theo thành tích, phong trào, gây thất thoát, lãng phí… Về phía người dân nghèo xuất hiện thói quen và tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước; nhiều người nhận được tiền hỗ trợ nhưng không biết sử dụng hiệu quả. Mối liên kết, tương hỗ giữa các cộng đồng nghèo, cận nghèo, khá giả không cao, thiếu bền vững, nên khi hết nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước thì nguy cơ tái nghèo lại hiện hữu.

Nhận thấy những điểm bất cập này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (năm 2001) đã có sự thay đổi và phát triển mới trong nhận thức đối với công tác XĐGN. Trong Báo cáo chính trị Đại hội IX đã xác định: “Khuyến khích làm giàu hợp pháp, đồng thời ra sức xoá đói giảm nghèo, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất để các vùng, các cộng đồng đều có thể tự phát triển, tiến tới thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội”[2]. Có nghĩa là trước đây, công tác XĐGN được đề cập một cách khá chung chung, thì đến Đại hội IX đã xuất hiện các từ khóa: “tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng”, “năng lực sản xuất”, “tự phát triển”. Điều này thể hiện sự song hành trong XĐGN giữa việc Nhà nước tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật với việc khuyến khích người dân tự nâng cao năng lực sản xuất, chủ động thoát nghèo.

Lúc này, công tác XĐGN của nước ta có nhiều khởi sắc, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí là nước nghèo, chậm phát triển vươn lên trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Nhưng cũng vì thế mà khó khăn mới lại xuất hiện. Là nước có mức thu nhập trung bình, nghĩa là Việt Nam sẽ không còn được hưởng hoặc giảm dần sự hỗ trợ từ quốc tế cho quốc gia nghèo. Điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam sẽ phải dần tự lực cánh sinh, dựa vào nội lực là chính trong công tác XĐGN, quan trọng nhất là phải bảo đảm duy trì được kết quả của công tác XĐGN, tránh nguy cơ tái nghèo. Để bảo đảm cho điều đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011) đã xác định: “Thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo phù hợp với từng thời kỳ; đa dạng hoá các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững, nhất là tại các huyện nghèo nhất và các vùng đặc biệt khó khăn”[3]. Như vậy, đã xuất hiện thêm các từ khóa hoặc các nội hàm mới:“đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức”, “giảm nghèo bền vững”, “các huyện nghèo nhất và các vùng đặc biệt khó khăn”. Nội hàm này đã trở thành tiền đề; là chủ trương, đường lối để Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương và các địa phương xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án về XĐGN một cách sát thực, đồng bộ, hiệu quả.

Chưa dừng lại ở đó, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (năm 2016), đã tiếp tục nhấn mạnh: “Đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả và tiếp cận phương pháp đo lường nghèo đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản”[4]. Trong đó, “phương pháp đo lường nghèo đa chiều” là một khái niệm hoàn toàn mới.

Trước đây, chúng ta chỉ đơn thuần đánh giá mức độ nghèo trên phương diện kinh tế, thu nhập. Theo đó, một người có thu nhập dưới mức trung bình là người nghèo. Nhưng nay, việc đánh giá người nghèo, hộ nghèo được nhìn nhận theo “đa chiều”, cả vật chất và tinh thần, ngoài thu nhập, còn có các tiêu chí như: được khám chữa bệnh, được đi học, được nghe đài, xem ti vi, có phương tiện đi lại gắn động cơ, ăn ở hợp vệ sinh, v.v... Việc xác định như vậy sẽ giúp mở rộng biên độ về cơ chế, chính sách, chương trình, dự án, phương thức tiếp cận, đối tượng đích cho công tác XĐGN một cách bền vững.

... đến thay đổi về phương thức XĐGN

Từ những thay đổi trong quan điểm, nhận thức về công tác XĐGN, nhất là quan điểm về phương pháp đo lường nghèo đa chiều, đã dẫn tới hình thành nhiều phương pháp và cách thức hành động mới trong công tác XĐGN trên tinh thần phát huy nội lực của cả quốc gia và từng người dân nhằm mục đích làm cho công tác XĐGN bền vững hơn.

Ngày 19/11/2015, một thay đổi có tính đột phá là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 59/2015/QĐ-TTg, về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho  giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó xác định chuẩn nghèo mới thay thế cho chuẩn nghèo cũ: quy định chuẩn nghèo mới ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng (chuẩn cũ là 400.000 đồng/người/tháng); ở khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng (chuẩn cũ là 500.000 đồng/người/tháng); đồng thời quy định thêm chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 1.300.000 đồng/người/tháng.

Điều quan trọng không kém là đã xác định rõ 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Từ 10 chỉ số này để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cập đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Việc ban hành mức chuẩn nghèo mới và xác định những căn cứ để đo lường; giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân chính là cơ sở để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, cũng như hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác trong giai đoạn 2016 – 2020.

Trong việc hoạch định các chính sách về XĐGN, chúng ta cũng đã có những thay đổi rất căn bản. Trước đây có nhiều chương trình, dự án về XĐGN cùng song song tồn tại; hoặc có nhiều chương trình, dự án ở những lĩnh vực khác nhau, nhưng có sự chồng chéo trên cùng một địa bàn, cùng một đối tượng. Điều này dẫn đến tình trạng khó kiểm tra, kiểm soát, dàn trải, lãng phí nguồn lực, chạy theo phong trào, thành tích… Nhưng nay, Chính phủ đã gộp tất cả lại trong một chương trình là “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020” (Theo Quyết định 1722-QĐ/TTg, ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ), với một đầu mối quản lý chung nhất là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong đó bao gồm 5 dự án thành phần:

Dự án 1: Chương trình 30a (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện);

Dự án 2: Chương trình 135 (do Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện);

Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện);

Dự án 4: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin (do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện);

Dự án 5: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình (do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện).

Có một số điểm thay đổi rất căn bản trong phương thức tiếp cận và tiến hành công tác XĐGN trong giai đoạn tới:

Một là, đã tích hợp các nguồn vốn, dự án có liên quan đến công tác XĐGN lại với nhau thành một chương trình chung và thống nhất đầu mối quản lý nhằm phát huy nguồn lực, hạn chế tình trạng trồng chéo, chống thất thoát.

Hai là, vẫn tiếp tục duy trì với mức độ cần thiết để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở các huyện nghèo; bãi ngang ven biển và hải đảo; xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn… Nhưng đã có sự giảm dần về nguồn vốn hỗ trợ, đồng thời tăng dần sự chủ động của người dân nâng cao nhận thức, ý thức tự giác vươn lên XĐGN bền vững.

Ba là, đã mở rộng hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, ưu tiên cho những người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo; nhóm hộ, cộng đồng dân cư; tổ chức và cá nhân có liên quan.

Bốn là, xác định một trong những nguyên nhân dẫn tới đói nghèo là người dân thiếu các điều tiếp cận với thông tin. Vì vậy, sẽ tập trung giành sự quan tâm đầu tư nhiều hơn cho công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Mục tiêu chung của “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020” là giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Rất có lý và có tình khi điều đầu tiên trong Chỉ thị đầu tiên của năm 2017 - Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 6/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”./.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 1996, tr.92

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2001, tr.163

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2011, tr. 124 - 125

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2016, tr.137

Trần Quỳnh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN