Nhiều đột phá, thành công trong công tác xuất khẩu lao động tỉnh Đồng Tháp
(ĐCSVN) - Từ khi khởi xướng vực dậy phong trào xuất khẩu lao động của địa phương, công tác xuất khẩu lao động của Đồng Tháp đã có nhiều đột phá, thành công và trở thành địa phương dẫn đầu các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong hoạt động này.
Người lao động tìm hiểu làm việc ở nước ngoài tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Trung tâm DVVL) |
Nguồn thu nhập từ hoạt động xuất khẩu lao động của người lao động đã góp phần cải thiện đời sống gia đình và thân nhân, giúp nhiều gia đình trở nên khá giả. Nhiều lao động sau khi về nước tiếp tục khởi nghiệp thành công, trở thành các chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Sau 10 năm (2014-2024) tái cơ cấu chương trình đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng xuất khẩu lao động, Đồng Tháp đã đưa hơn 15.000 lao động đi làm việc nước ngoài. Không chỉ đi làm việc tại nhiều quốc gia có trình độ phát triển cao như Nhật Bản với 11.702 người, chiếm 76% so với tổng số lao động đã đưa đi; Đài Loan (Trung Quốc) 1.944 người, chiếm 13%; Hàn Quốc 1.184 chiếm 8%... mà còn mang về nguồn ngoại tệ lớn với bình quân 1.000 tỉ đồng/năm.
Trong 3 năm nay, Đồng Tháp đã có 7.150 lao động xuất cảnh. Trong đó, lao động ở thị trường Nhật Bản là 6.100 lao động (chiếm 85,31%); thị trường Hàn Quốc là 760 lao động (chiếm 10,63%); thị trường Đài Loan (Trung Quốc) là 122 lao động (chiếm 1,71%); thị trường khác là 168 lao động (chiếm 2,35%). Tổng số lao động hết hợp đồng về nước là khoảng 6.800 lao động. Lĩnh vực làm việc được nhiều người lao động lựa chọn là cơ khí - vận hành máy, thực phẩm, nông nghiệp, điều dưỡng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có gần 1.800 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt gần 90% kế hoạch năm. Hiện đang có gần 800 lao động đang học ngoại ngữ, giáo dục định hướng chờ ngày xuất cảnh. Điều này không chỉ giúp cho hàng chục ngàn lao động có việc làm với thu nhập ổn định, mà còn giúp cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở, đơn vị có được nguồn lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh…
Qua khảo sát của ngành chức năng tỉnh cho thấy, số lao động về nước làm việc ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trong tỉnh là 1.049 người với mức thu nhập trung bình từ 05 triệu - 08 triệu đồng/tháng; làm việc cho các doanh nghiệp, cơ sở ở ngoài tỉnh là 3.351 người với mức thu nhập trung bình 08 triệu - 11 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, số lao động làm việc thời vụ ở địa phương (trồng trọt, chăn nuôi ở gia đình) là 526 người - đây là những lao động lớn tuổi, bận việc gia đình, muốn ở gần nhà chăm sóc gia đình.
Tuy nhiên, do chất lượng lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng còn thấp, người lao động trở về nước tham gia khởi nghiệp chiếm tỷ lệ thấp và quy mô khởi nghiệp nhỏ. Công tác quản lý, nắm thông tin người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng hết hạn trở về địa phương còn hạn chế. Đặc biệt, số lượng lao động sau khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng trở về địa phương lập thân, khởi nghiệp chưa nhiều.
Vì vậy, các công ty đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần xem xét bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp cho người lao động trong quá trình học giáo dục định hướng. Khi lao động hết hạn hợp đồng trở về, địa phương cần tập trung tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ lao động tiếp cận các nguồn vốn vay khởi nghiệp, phát triển kinh tế.
Năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đề ra các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tư vấn tuyên truyền việc làm trong, ngoài tỉnh, chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.Ngoài các thị trường lao động hiện có, Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp tục nghiên cứu, khai thác các thị trường lao động mới, có thu nhập cao để tư vấn cho người lao động Đồng Tháp. Chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức các đợt thăm, động viên người thân người lao động, lao động hết hạn hợp đồng trở về nước để tư vấn các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp dành cho người lao động./.