Nhận diện hành vi bạo lực gia đình
(ĐCSVN) - Điều 2, Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) 2022 giải thích: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ, từ cả cá nhân người có hành vi bạo lực, từ người bị bạo lực và từ gia đình - xã hội.
Những đặc điểm chủ yếu của người có hành vi bạo lực gia đình
Trong cuốn tài liệu Hướng dẫn thành lập và vận hành Địa chỉ tin cậy” được xây dựng trong khuôn khổ triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025, nhóm tác giả biên soạn giải thích như sau:
Người có hành vi BLGĐ thường là người có định kiến giới, thái độ gia trưởng, tư tưởng trọng nam khinh nữ, không thừa nhận vai trò của nữ giới trong gia đình, xã hội; độc đoán, áp đặt, bảo thủ, không tiếp thu ý kiến của người khác; luôn cần bảo vệ vị trí của mình, bất kể là bằng cách nào. Họ thường sử dụng bạo lực hoặc có ý nghĩ sử dụng bạo lực khi giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Không thừa nhận điều mình đã làm, đổ lỗi cho người khác, giảm nhẹ lỗi của mình, hoặc không thừa nhận lỗi lầm, chối bỏ động cơ và hành động thực sự của mình; muốn kiểm soát, kiểm chế người khác. Thiếu sự tự tin vào bản thân, sợ người khác nhìn nhận và đánh giá bản thân mình. Dễ nổi nóng, không quản lí được cảm xúc của mình, tính tình thất thường, hay chỉ trích, ra yêu sách với người khác. Có tiền sử bị bạo lực hoặc đã từng bạo lực người khác, có trải nghiệm về bạo lực trong gia đình khi còn nhỏ tuổi có nguy cơ cao BLGĐ đối với các thành viên khác khi trưởng thành. Kỳ vọng quá lớn, vì vậy người gây ra bạo lực thường kiểm soát gắt gao và kỷ luật nặng nề đối với các thành viên trong gia đình. Thiếu kỹ năng làm cha mẹ hay kỹ năng trong giao tiếp, kỹ năng quản lý bản thân cũng khiến người có hành vi BLGĐ không hiểu đặc điểm nhu cầu và tâm lý của vợ/chồng hay con cái hay người già, không kiểm soát được bản thân, từ đó dễ có ứng xử thô bạo trong gia đình. Thiếu hiểu biết về quy định pháp luật như Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống BLGĐ. Lạm dụng rượu bia và chất gây nghiện là một trong những nguyên nhân gián tiếp làm tăng nguy cơ có những hành vi BLGĐ…
Những đặc điểm chủ yếu của người bị bạo lực gia đình
Người bị bạo lực thường cam chịu, nín nhịn, không dám công khai, báo cáo, lên tiếng tố cáo hành vi BLGĐ khiến cho người có hành vi BLGĐ nhầm tưởng họ có quyền thực hiện hành vi đó. Thái độ biện minh, dung túng cho bạo lực, coi các hành vi bạo lực là bình thường, chấp nhận được. Sự tự ti, tự hạ thấp nhân phẩm, quyền của bản thân làm tăng thêm tính gia trưởng, áp đảo của người có hành vi BLGĐ. Thiếu kỹ năng kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống đặc biệt là các kỹ năng xử lý mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình. Bị phụ thuộc vào người có hành vi bạo lực nên không dám tố cáo, sợ bị người có hành vi BLGĐ bỏ rơi, trả thù.
"Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng" là nơi chị em phụ nữ tạm lánh khi có bạo lực gia đình xảy ra (Ảnh minh hoạ) |
Tác động, biến động của gia đình và xã hội
Bạo lực gia đình ảnh hưởng rất lớn bởi các tác động, biến động của gia đình và sự phát triển xã hội. Cụ thể, tình trạng bạo lực tăng tỷ lệ thuận khi phim ảnh, trò chơi mang tính bạo lực phát tán rộng rãi trên mạng xã hội. Cộng đồng, xã hội chưa quan tâm đến việc lên tiếng, hỗ trợ người bị bạo lực, cho rằng BLGĐ là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi gây ra hậu quả nghiêm trọng. Công tác phòng, chống BLGĐ chưa được quan tâm đúng mức, chưa đầu tư nâng cao năng lực, tài liệu, kinh phí cho hoạt động phòng, chống BLGĐ. Thiếu những dịch vụ để chăm sóc và hỗ trợ người bị bạo lực: hệ thống chăm sóc sức khỏe, tham vấn, trợ giúp pháp lý… Thiếu dữ liệu về tình trạng BLGĐ, vì vậy hạn chế việc phân tích và hoạch định chính sách liên quan đến phòng, chống BLGĐ. Bản thân người có trách nhiệm xử lý vấn đề liên quan BLGĐ tại cộng đồng còn hạn chế về nhận thức, thiếu kỹ năng, còn nhiều định kiến, thái độ đổ lỗi cho người bị bạo lực, thiếu khách quan. Công tác hòa giải mang tính hình thức và thiên về hàn gắn gia đình, chưa quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng của người bị bạo lực, chưa tập trung vào xử lý hành vi của người có hành vi bạo lực.
Đẩy mạnh truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về BLGĐ còn hạn chế. Người dân mới chỉ tập trung nhiều vào các hành vi bạo lực thể chất và coi đó là hành vi vi phạm pháp luật trong khi các hành vi kiểm soát xã hội và bạo lực tình dục chưa được nhận thức đầy đủ.
Tranh vẽ truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình của học sinh huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị (Ảnh minh hoạ) |
Bởi vậy, theo PGS.TS Bùi Thị Kim Hậu, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, truyền thông đại chúng có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống BLGĐ, thể hiện ở việc cung cấp thông tin; phát hiện và giám sát các vụ việc về BLGĐ; tuyên truyền, ngăn ngừa và đấu tranh với các hành vi BLGĐ; tạo dư luận và định hướng dư luận về phòng, chống BLGĐ…
Thời gian qua, nhiều biện pháp tuyên truyền, ngăn ngừa và đấu tranh với các hành vi BLGĐ đã được thực thi, như: Ký cam kết hộ gia đình không có BLGĐ, tích cực tham gia phòng, chống BLGĐ; Lồng ghép trong chương trình và hoạt động tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; sinh hoạt đoàn thể, cộng đồng dân cư; xây dựng mô hình phòng, chống BLGĐ; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống BLGĐ.
Trong lần sửa đổi năm 2022, Luật Phòng chống BLGĐ tiếp tục bổ sung thêm một số hình thức tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình như: tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề; Tổ chức cuộc thi, chiến dịch truyền thông; Hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Giải thích về “hình thức khác” trong công tác tuyên truyền, TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay, việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mạng xã hội đang có vai trò quan trọng, là xu thế tất yếu và khẳng định tính hiệu quả. Vì vậy bổ sung thêm quy định: “Các hình thức khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể” để bảo đảm bao quát hết các hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ có thể được triển khai thực hiện.
Là đại biểu trẻ nhất trong Quốc hội khoá XV, lại là người dân tộc Khơ Mú, bà Quàng Thị Nguyệt - Uỷ viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, giải quyết BLGĐ phải bắt nguồn từ gốc rễ của vấn đề, đó là thay đổi nhận thức hành vi từ khi còn trẻ. Do đó, cần quan tâm truyền thông, giáo dục bình đẳng giới và quy định của pháp luật về phòng chống BLGĐ ngay từ trong trường học để trẻ em hình thành quan điểm, thái độ ứng xử văn hóa, văn minh, tiến bộ khi bước vào đời sống hôn nhân sau này.
Nhấn mạnh cần quan tâm đến giải pháp truyền thông, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng, nên tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ là phụ nữ, người già, trẻ em, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua truyền thông nhằm nhận diện hành vi BLGĐ; hậu quả của BLGĐ; kỹ năng ứng xử trong gia đình, phòng ngừa, xử lý BLGĐ; Thông tin về mặt trái của công nghệ thông tin làm tăng nguy cơ BLGĐ; các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; tác hại của sử dụng rượu, bia, ma túy, chất gây nghiện khác ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình; biện pháp, mô hình, kinh nghiệm phòng, chống BLGĐ trong nước và quốc tế./.