Ngày này năm xưa: 22/7
(ĐCSVN) - Ngày 22/7/1954, từ chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơnevơ thành công", kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sỹ ra sức củng cố nền hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong toàn quốc.
Sự kiện trong nước
- Ngày 22/7/1938, báo Dân Chúng, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức ra mắt bạn đọc, bước lên vũ đài chính trị công khai ở Sài Gòn, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Hà Huy Tập và đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Sự ra đời của báo Dân Chúng là nét son quan trọng trong trang sử truyền thống của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Báo "Dân chúng" số 1, ra ngày 22 /7 /1938. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) |
Nội dung chính của báo Dân Chúng là tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, cổ động và tổ chức quần chúng đấu tranh thực hiện các khẩu hiệu dân chủ và chống chiến tranh phát xít, chống Tờ rốt kit, cổ vũ cho mặt trận dân chủ Đông Dương và ở các nước đấu tranh chống phát xít.
Ngày 30/8/1939 báo Dân Chúng xuất bản số cuối cùng. Sau hơn một năm hoạt động, báo Dân Chúng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong cuộc đấu tranh tư tưởng của Đảng, đóng góp những trang rực rỡ trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
- Vào lúc 0 giờ ngày 22/7/1954, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra lệnh ngừng bắn trên toàn chiến trường Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam cùng toàn dân kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ. Từ đây, Quân đội nhân dân Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn cùng nhân dân cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc và đấu tranh đòi thống nhất Tổ quốc.
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên trang nhất của Báo Nhân Dân, số 208 (từ ngày 25/7 đến 27/7/1954). |
Cũng trong ngày 22/7/1954, từ chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơnevơ thành công". Trong đó, kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sỹ ra sức củng cố nền hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong toàn quốc.
“Tôi thân ái kêu gọi toàn thể đồng bào, quân đội và cán bộ hãy theo đúng đường lối, làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc.
Tôi thiết tha kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào, chính kiến nào và trước đây đã đứng về phe nào, chúng ta hãy thật thà cộng tác, vì dân vì nước mà phấn đấu để thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong nước Việt Nam yêu quý của chúng ta.
Cả nước đồng lòng, muôn người như một, chúng ta nhất định thắng lợi.
Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ muôn năm!”
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.1-4.)
Thực hiện lời kêu gọi của Người, quân và dân ta luôn đoàn kết, nhất trí dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Ngày 22/7/1968: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen quân và dân Nghệ An bắn rơi 400 máy bay Mỹ. Người viết: “ Bác rất vui lòng được tin quân và dân tỉnh nhà đã bắn rơi chiếc máy bay giặc Mỹ thứ 400.... Đồng bào, bộ đội và cán bộ Nghệ An hãy nêu cao truyền thống anh dũng của Xô viết Nghệ – Tĩnh, phát huy thắng lợi, đoàn kết chặt chẽ, luôn luôn cảnh giác, thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, làm thật tốt công tác giao thông vận tải và phòng không nhân dân, giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa”.
(Báo Nhân dân, số 5215, ngày 23/7/1968).
Quốc kỳ Việt Nam phấp phới bay cùng cờ các nước ASEAN tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei) sau Lễ kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ảnh: TTXVN |
Sự kiện quốc tế
- Ngày 22/7/1992, Việt Nam chính thức tham gia Hiệp ước Bali và trở thành quan sát viên của ASEAN tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 25 ở Manila (Philippines). Từ đây, Việt Nam tham gia từng bước vào một số cơ chế và chương trình hợp tác của ASEAN với tư cách quan sát viên.
-Trong hai ngày 22 và 23/7/1994, tại Bangkok đã diễn ra Hội nghị ngoại trưởng lần thứ 27 các nước ASEAN. Hội nghị này đã chính thức thông báo, ASEAN nhất trí tuyên bố sẵn sàng chấp nhận Việt Nam là thành viên của ASEAN. Năm 1995, một Lễ kết nạp trọng thể đã diễn ra tại Cung Hội nghị quốc tế Bru-nây, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)./.