Ngày này năm xưa: 19/9
(ĐCSVN) - Ngày 19/9/1995, Quốc hội Việt Nam chính thức trở thành thành viên Tổ chức Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO) - tiền thân của Hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA)
Sự kiện trong nước
- Ngày 19/9/1442, ngày mất của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Ông sinh năm 1380, tên hiệu là Ức Trai, quê ở Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội). Những đóng góp của Nguyễn Trãi vô cùng lớn lao trong lịch sử của dân tộc. Ông là vị anh hùng, một nhà quân sự, chính trị và nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc. Tài năng của ông trải đều trên các lĩnh vực, được hậu thế kính phục. Ông có công lớn giúp Lê Lợi chiến thắng quân Minh xâm lược, đồng thời là bậc khai quốc công thần, xây đắp vương triều Lê trong buổi ban đầu.
Nguyễn Trãi còn là một nhà văn hóa kiệt xuất. Ông để lại rất nhiều trước tác văn chương, cả bằng chữ Hán, chữ Nôm và phong phú về thể loại, bao gồm nhiều lĩnh vực như: văn học, lịch sử, địa lý, luật pháp, lễ nghi... Những tác phẩm của ông được đánh giá là có cách lập luận sắc sảo, khúc triết, thấu tình đạt lý, có nhu có cương của một nghệ thuật viết chính luận bậc thầy. Ông cũng là người đặt nền móng cho văn học chữ Nôm của Việt Nam...
Năm 1980, tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi nhận ông là danh nhân văn hóa và được kỷ niệm trên toàn thế giới.
Tượng đài chiến khu du kích Ngọc Trạo. Ảnh: Thành Phan |
- Ngày 19/9/1941, tại Hang Treo - một địa điểm của căn cứ Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa, Đội du kích cách mạng đầu tiên của Thanh Hóa chính thức thành lập, với 21 chiến sỹ. Dù chỉ có 11 khẩu súng, còn lại là các loại vũ khí thô sơ như dao bầu, mã tấu, cung nỏ, gậy gộc... cùng điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn nhưng các chiến sĩ du kích luôn lạc quan, tin tưởng vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, cùng nhân dân Ngọc Trạo dốc lòng, chung sức gây dựng chiến khu. Từ chỗ có 21 đội viên khi mới thành lập, đến cuối tháng 9/1941, số đội viên du kích và cán bộ ở chiến khu Ngọc Trạo đã tăng lên trên 80 chiến sỹ.
Sự ra đời của đội du kích Ngọc Trạo đánh dấu bước trưởng thành mới của phong trào cách mạng ở Thanh Hóa. Từ đây, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã có một lực lượng vũ trang thoát ly đầu tiên, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang sau này. Những chiến tích hào hùng và sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ du kích Ngọc Trạo là dấu son đậm nét, tô thắm truyền thống bất khuất, kiên cường của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa.
- Ngày 19/9/1954, trong buổi gặp mặt, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng (thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), Bác Hồ căn dặn: “Bác cháu ta gặp nhau ở đây trong tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước... Trải qua bao thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô, tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn”. (Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H.2007, tập 5, tr. 502.)
Lời căn dặn của Bác với Đại đoàn quân Tiên Phong “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” ngắn gọn, giản đơn nhưng vô cùng sâu sắc, là sự khái quát cao nội dung cơ bản, xuyên suốt toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”; là lời nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta về sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc. Tại địa điểm trước cửa Đền Giếng, một tấm bia đã được dựng lên ghi dấu sự kiện lịch sử và lời nói lịch sử này của Bác.
Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên Phong ngày 19 tháng 9 năm 1954 tại Đền Hùng, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao (nay là thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) - Ảnh tư liệu |
- Ngày 19/9/1945, chi đội Thiện Thuật (sau đổi tên thành Trung đoàn Thiện Thuật - Trung đoàn 95), chi đội Giải phóng quân đầu tiên của Quảng Trị được thành lập tại thị xã Quảng Trị. Quân số chi đội gồm 1.500 người. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và là một trong những đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội ta.
- Ngày 19/9/1945, báo “Cứu Quốc” đăng bài “Chính phủ là công bộc của dân”, với bút danh Chiến Thắng, Bác viết: “Chính phủ đối với ta như người “anh cả” trong gia đình, một đồng chí phụ trách trong một địa phương, một người đứng mũi chịu sào ta có thể vững lòng trông cậy và gửi số mệnh vào. Người xưa nói: Quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh...”.( Hồ Chí Minh toàn tập - Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tập 4, trang 21-22)
Sự kiện quốc tế
Lễ rước cờ Việt Nam từ hàng vị trí quan sát viên chuyển lên trang trọng trong hàng cờ của các nước thành viên chính thức của AIPO tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất, ngày 19/9/1995. (Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN) |
- Ngày 19/9/1935, ngày mất nhà khoa học không gian Liên Xô Konstantin Eduardovich Tsiolkovsky (17/09/1857 - 19/09/1935). Với hơn 500 công trình và một số tác phẩm kinh điển, Tsiolkovsky đã được cả thế giới biết đến và được công nhận là một trong những người khai sinh ra ngành hàng không vũ trụ. Mặc dù ông không tự chế tạo ra các tên lửa, nhưng các công trình của ông đã là nền tảng, là động lực rất lớn thúc đẩy sự nghiên cứu, sáng tạo của một thế hệ các nhà khoa học không gian kế cận.
- Ngày 19/9/1995, Quốc hội Việt Nam chính thức trở thành thành viên Tổ chức Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO) - tiền thân của Hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA). Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức được tổ chức trọng thể sáng 19/9/1995 tại kỳ Đại Hội đồng AIPO-16 tại Singapore.
Với tư cách là thành viên chính thức của AIPO và sau này là AIPA, trong 25 năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng AIPO, nay là Liên minh nghị viện ASEAN (AIPA) không ngừng lớn mạnh./.