Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 20/9

Thứ Sáu, 20/09/2024 07:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 20/9/1977: Lễ thượng cờ Việt Nam được chính thức tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), ghi dấu ấn Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức lớn nhất hành tinh này.

Sự kiện trong nước

- Ngày 20/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 7 thành viên: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng và Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) do Chủ tịch Hồ Chí Minh là Trưởng ban. Nhiệm vụ của Ủy ban là nghiên cứu xác định mô hình, xây dựng cấu trúc của một bản Hiến pháp dân chủ hoàn toàn mới, vừa đảm bảo tính lâu dài vừa phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta.

- Ngày 20/9/1951: Ngày truyền thống của Cục Hậu cần, Tổng cục Chính trị. Tháng 5/1947, Ban Quản lý thuộc Phòng Văn thư (nay là Văn phòng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập với nhiệm vụ chủ yếu là bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt cho Thủ trưởng và Cơ quan Cục Chính trị ở An toàn khu. Từ đó đến nay, với 12 lần thay đổi tên, tách, sáp nhập: từ Ban Quản lý, Phòng Quản trị, Phòng Cung cấp,... đến Cục Hậu cần ngày nay; ngày 25/1/2005, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ký Quyết định số 81/QĐ-CT, công nhận ngày 20/9/1951 (ngày thành lập Phòng Cung cấp) là Ngày truyền thống của Cục Hậu cần, Tổng cục Chính trị. 

Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Cục Hậu cần, Tổng cục Chính trị đã lập nhiều thành tích xuất sắc, xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Chủ động - sáng tạo, tận tụy - chu đáo, an toàn - tiết kiệm, đoàn kết - quyết thắng”. Phát huy truyền thống đó, Cục Hậu cần đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bác Hồ đến thăm và căn dặn cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 11 Trung đoàn 600, trước khi về tiếp quản thủ đô năm 1954 (Ảnh: BTL Cảnh vệ). 

- Ngày 20/9/1954, Trung đoàn 600 (Bộ tư lệnh Cảnh vệ) được thành lập để bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Trung đoàn 600 là đơn vị vũ trang đầu tiên, chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ và các cơ quan đầu não của cách mạng Việt Nam. 

Nhiệm vụ chính trị của trung đoàn hiện nay là bảo vệ tuyệt đối an toàn nơi ở thường xuyên và nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước tại Hà Nội; bảo vệ các sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, các đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam. 

- Ngày 20/9/1958, Bác Hồ đi thăm công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Người đã xuống sát chân đê Xuân Quan thăm hỏi và nói chuyện với cán bộ, công nhân và dân công đang gấp rút công tác chuẩn bị thi công công trình. Người dặn dò, động viên: “Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng. Sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm. Cán bộ cần phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn thể nhân dân”. (Sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11 – NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, tr 529-531)

- Ngày 20/9/1961, lần đầu tiên ở Việt Nam đã thực hiện tốt thủ thuật "mổ gan khô" (lúc cắt gan không chảy máu) tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Phương pháp mổ gan khô của Giáo sư Tôn Thất Tùng thành công là một cống hiến quan trọng cho sự nghiệp phát triển của nền y học Việt Nam và thế giới. Các hội nghị khoa học quốc tế đã gọi phương pháp này là "phương pháp Việt Nam". Năm 1977, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã giành được giải thưởng của Viện Hàn Lâm phẫu thuật Paris (Pháp) cho kỹ thuật này. Đến nay, mổ gan khô đã trở thành một trong những phương pháp phẫu thuật cắt gan chính.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 20/9/1946: Liên hoan phim Cannes lần đầu tiên tổ chức tại Pháp. Mặc dù được tổ chức lần đầu, nhưng liên hoan phim đã thu hút 44 bộ phim đến từ 18 quốc gia; đã có 11 bộ phim được trao tặng “Giải thưởng lớn của liên hoan”. Đến nay, liên hoan phim Cannes đã có những bước phát triển rất nhanh chóng, cả về chất lượng lẫn cơ cấu tổ chức. Với lịch sử và uy tín lâu đời, Liên hoan phim quốc tế Cannes được xem là một trong những liên hoan phim quốc tế lớn nhất thế giới.

Ngày 20/9/1977, tại khóa họp thứ 32, Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của LHQ. (Ảnh: TTXVN)

- Ngày 20/9/1977: Lễ thượng cờ Việt Nam được chính thức tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), ghi dấu ấn Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức lớn nhất hành tinh này. 

Từ khi tham gia LHQ, Việt Nam luôn là một trong những thành viên năng động, tích cực của Liên hợp quốc với sự tham gia ngày càng sâu rộng, hiệu quả hơn trên nhiều lĩnh vực, đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, là sứ giả của hòa bình, là một quốc gia luôn phấn đấu vì sự đoàn kết…

Những kết quả tích cực của mối quan hệ giữa Việt Nam và LHQ đã tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và LHQ trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của LHQ trong thời kỳ mới. 

- Ngày 20/9/2015, Nepal chính thức ban hành hiến pháp mới, từ bỏ chế độ quân chủ cũ để trở thành nhà nước Cộng hòa liên bang bao gồm 7 tỉnh bang./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN