Ngày này năm xưa: 22/6
(ĐCSVN) - Ngày 22/6/1954, Bác viết bài “Cần phải xem báo Đảng”, trong đó nhấn mạnh: “Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất.”
Sự kiện trong nước
- Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt tại Sài Gòn. Biết Đồng chí là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, bọn mật thám Pháp dùng mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ hòng khai thác các cơ sở cách mạng, nhưng chúng vẫn không lay chuyển được ý chí kiên cường của đồng chí. Không tìm ra chứng cứ pháp lý để buộc tội đồng chí Lê Hồng Phong, ngày 30/6/1939, Tòa tiểu hình Sài Gòn đã kết án đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc ở Nghệ An. Mặc dù bị quản thúc gắt gao, theo dõi chặt chẽ, đồng chí vẫn không nản chí thường xuyên bí mật liên hệ với tổ chức, với Đảng và dành thời gian viết bài, bí mật gửi cho các tờ báo của Đảng như tờ Dân Chúng, Đông Phương tạp chí... thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường của người cách mạng kiên trung.
- Ngày 22/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris trong thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp. Từ Biarritz, máy bay hạ cánh xuống sân bay Lơ Buốcgiờ (Le Bourget) của thủ đô Paris nơi diễn ra lễ đón tiếp trọng thể với những nghi thức quốc gia.
Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay Le Bourget chiều 22/6/1946. Ảnh: Tư liệu |
Chuyến thăm Cộng hòa Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ 31/5 đến 20/10/1946) là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của Chính phủ Việt Nam trong những năm 1945-1946. Lúc này, nước ta đang gặp muôn vàn khó khăn, phức tạp: Chính phủ phải đối mặt với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp nhằm cứu vãn nền hòa bình trong khi thực dân Pháp đang quyết tâm xâm lược Việt Nam một lần nữa.
Chuyến công du lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các nhà nghiên cứu đánh giá là giúp nâng cao vị thế của Việt Nam, đồng thời là minh chứng cho khát vọng hòa bình, quyết tâm và ý chí độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.
- Ngày 22/6/1954: Bác viết bài “Cần phải xem báo Đảng” đăng trên Báo Nhân dân số 179 với bút danh C.B. Trong đó Bác nhấn mạnh: “Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất…
Tờ báo Đảng là như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta.
Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc.
Vì vậy, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán, cần phải xem báo Đảng.
Có những đồng chí mượn cớ quá bận việc, hoặc cớ này cớ khác mà không chú ý xem báo Đảng. Đó là che giấu bệnh lười, đó là một khuyết điểm to, cần phải sửa chữa ngay. Vô luận công việc bận đến thế nào, nếu khéo sắp xếp thì nhất định có thời giờ xem báo”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.514-515).
"Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất…" Ảnh minh họa: KG |
- Ngày 22/6/1965, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đưa anh Trần Văn Đang ra pháp trường xử bắn với hy vọng có thể khủng bố được tinh thần nhân dân Sài Gòn. Dù biết cái chết đang gần kề từng phút, anh vẫn không tỏ một thái độ nào run sợ. Anh đi đến pháp trường với một tư thế hiên ngang. Trên pháp trường, anh Trần Văn Đang hô lớn: “ Đả đảo đế quốc Mỹ... Đả đảo tập đoàn tay sai bán nước”. Ngay trước khi súng nổ, anh vẫn không ngừng hô to: “Hồ Chủ tịch muôn năm… Đả đảo đế quốc Mỹ”. Sự hy sinh của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Đang và thái độ anh dũng hiên ngang trước kẻ thù đã tác động hàng triệu trái tim của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cùng với Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, cái chết của chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Đang đã thức tỉnh hàng triệu người yêu nước dấy lên phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy.
Trong thư gửi thế hệ trẻ cả nước tháng 10/1966, Bác Hồ đã động viên thanh niên cả nước học tập gương anh hùng dũng cảm của các anh Nguyễn Văn Trỗi và Trần Văn Đang. Ngày 6/11/1978, Chủ tịch nước ta đã truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Trần Văn Đang.
- Ngày 22/6/1965, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 101/QĐ-QP về việc thành lập Tiểu đoàn 10 huấn luyện - đơn vị tiền thân của Trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp. Từ đó, ngày 22/6/1965 trở thành mốc khởi đầu trong chặng đường xây dựng, trưởng thành của Trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp, đồng thời trở thành ngày hội truyền thống hàng năm của Nhà trường. Trải qua 50 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Nhà trường đã ba lần đổi tên cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn “Trường Sĩ quan Thiết giáp”, “Trường Sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật Tăng”, ngày nay là “Trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp”. Phát huy thành tích, truyền thống đơn vị anh hùng, Trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và là lá cờ đầu trong phong trào thi đua Quyết thắng của Binh chủng Tăng - Thiết giáp và lực lượng Tăng - Thiết giáp toàn quân. Những thành tích Nhà trường đạt được trong suốt 50 năm qua đã góp phần tô thắm thêm truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng - Thiết giáp Việt Nam anh hùng.
- Ngày 22/6/1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã bị địch phục kích và anh dũng hy sinh. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm là tác giả hai tập nhật ký được viết từ ngày 8 tháng 4 năm 1968, khi phụ trách bệnh xá Đức Phổ, Quảng Ngãi cho đến ngày 20 tháng 6 năm 1970, 2 ngày trước khi hy sinh. Hai tập nhật ký này được Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ, lưu giữ suốt 35 năm cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4 năm 2005. Nhật ký của cô sau đó được nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập thành quyển sách mang tên Nhật ký Đặng Thùy Trâm và trở thành một hiện tượng văn học và được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ảnh: baotintưc.vn. |
Cuộc đời sự nghiệp và sự hy sinh anh dũng của bác sĩ Đặng Thùy Trâm là tấm gương sáng về tình yêu quê hương đất nước, về lòng dũng cảm, ý chí chiến đấu kiên cường, về y đức cao quý của người thầy thuốc, về tình yêu thương với tất cả mọi người.
Để ghi nhận những cống hiến của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, ngày 20/2/2006, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Di tích lưu niệm anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm tại Quảng Ngãi vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến hoạt động của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm trong việc cứu chữa và điều trị cho thương binh và Nhân dân ở chiến trường Đức Phổ từ năm 1967 đến năm 1970 và nơi bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã hy sinh anh dũng ngày 22/6/1970.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 22/6/1940, quân đội Pháp đầu hàng phát xít Đức. Chính phủ Pêtanh (Pétain) rút về Visi (Vichy) ở miền Nam nước Pháp.
- Ngày 22/6/1941, Đức quốc xã đã mở màn chiến dịch Barbarossa, bất ngờ tấn công xâm lược Liên Xô. Vào 4 giờ sáng ngày 22/6/1941, lực lượng không quân của phát xít Đức bất ngờ ào ạt đánh bom các thành phố thuộc Liên Xô tại Ukraine, Belarus và các nước cộng hòa Baltic. Đến 12 giờ cùng ngày, Ngoại trưởng Xô Viết Vyacheslav Molotov tuyên bố trên đài phát thanh: Chiến tranh đã bùng nổ. Sự kiện này đã mở ra cuộc chiến tranh toàn diện Liên Xô - Đức kéo dài đến tận 9/5/1945, khiến hàng chục triệu người thiệt mạng./.