Ngày này năm xưa: 21/6
(ĐCSVN) - Ngày 21/6/1925, tuần Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên ở Quảng Châu (Trung Quốc). Báo Thanh Niên đã đặt nền móng đầu tiên cho báo chí cách mạng Việt Nam, có tác dụng to lớn trong việc chuẩn bị về tư tưởng, lý luận, là tiền đề quan trọng cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự kiện trong nước
- Ngày 21/6/1925, tuần Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên ở Quảng Châu (Trung Quốc). Báo được chuyển về nước bằng nhiều con đường bí mật và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Trong giai đoạn lịch sử 1925 - 1930, Báo Thanh Niên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là tờ báo cách mạng tuyên truyền, cổ động tập thể, vạch trần tội ác của thực dân Pháp và chế độ phong kiến suy tàn, khích lệ tinh thần yêu nước và khí phách hào hùng của dân tộc Việt Nam. Báo Thanh niên đã đặt nền móng đầu tiên cho báo chí cách mạng Việt Nam, có tác dụng to lớn trong việc chuẩn bị về tư tưởng, lý luận, là tiền đề quan trọng cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Báo Thanh Niên đã đặt nền móng đầu tiên cho báo chí cách mạng Việt Nam. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
Ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Ðảng đã ra Quyết định số 52-QĐ/TW lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm Ngày báo chí Việt Nam (21/6). Và ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Sau gần một thế kỷ, báo chí cách mạng và đội ngũ những người làm báo ở Việt Nam không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Báo chí luôn tiên phong, tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mọi lĩnh vực đời sống; tham gia phản biện xã hội, kịp thời phát hiện đấu tranh với những mặt trái của xã hội, phản bác các luận điểm sai trái của thế lực thù địch, bảo vệ sự công bằng, tiến bộ, góp phần tạo sự thống nhất và đồng thuận trong nhân dân. Đặc biệt, báo chí luôn thể hiện rõ vai trò là tiếng nói của Đảng và diễn đàn tin cậy của Nhân dân, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
- Ngày 21/6/1959, Bác viết bài “Điện Biên Phủ” (với bút danh T.L) để rút ra những kết luận lịch sử: “Quân đội ta đại thắng ở Điện Biên Phủ đã đưa thực dân Pháp đến miệng hố diệt vong và đưa cuộc trường kỳ kháng chiến của nhân dân ta đến toàn thắng….
Thực dân Pháp sở dĩ thất bại, vì chúng là phe tà, là bọn cướp nước; chiến tranh thực dân là phi nghĩa; và hễ còn chủ nghĩa thực dân thì Pháp còn bị nhiều Điện Biên Phủ ở các thuộc địa khác. Việt Nam sở dĩ thắng lợi là vì quân và dân ta đoàn kết nhất trí, kháng chiến anh dũng, vì chính nghĩa ở về phía ta...
Khi một dân tộc đã đoàn kết chặt chẽ, vùng dậy chiến đấu để giành lại quyền độc lập của mình, thì không có lực lượng phản động nào ngăn cản được họ và họ nhất định thắng lợi. Vậy có thơ rằng: Cũng trong một cuộc Điện Biên/Ta mừng thắng lợi, Pháp phiền xấu xa/ Trăm năm trong cõi người ta/Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua".
- Ngày 21/6/1965, Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đầu tiên ra đời. Đây là một lực lượng lao động đặc biệt, quân sự hóa của thanh niên, có vũ trang, được tổ chức và xây dựng trên ba mặt: sản xuất, chiến đấu, học tập; có độ tuổi từ 17-30. Với nhiệm vụ mở đường, bảo đảm giao thông vận tải ở Quân khu IV và các tuyến đường vận tải chiến lược vào chiến trường miền Nam và sẵn sàng bổ sung lực lượng cho quân đội khi cần thiết.
Thanh niên xung phong miền Nam bốc dỡ hàng hóa phục vụ chiến đấu. Ảnh: baotanglichsu.vn |
Từ khi mới thành lập cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), từ phong trào “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc và “Năm xung phong” ở miền Nam do Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam phát động, đã có gần 30 vạn thanh niên gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tiếp bước cha anh lên đường với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Và họ đã có mặt ở hầu hết các chiến trường, các tuyến đường, các trọng điểm… gian khổ nhất, ác liệt nhất, nguy hiểm nhất để mở đường, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy trong cả nước.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 21/6/1863, Nhà thiên vǎn học Max Wolf ra đời tại Đức. Ông là người đầu tiên dùng máy ngắm nổi khám phá 228 tiểu hành tinh và một sao chổi mang tên ông. Max Wolf qua đời ngày 3/10/1932.