Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 17/6

Thứ Hai, 17/06/2024 08:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 17/6/1929 Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời. Sự ra đời của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng đã đáp ứng xu thế tất yếu của lịch sử cách mạng Việt Nam, thúc đẩy phong trào cộng sản trong nước phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề cho việc ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 17/6/1929, hơn 20 đại biểu các tổ chức cơ sở đảng ở miền Bắc đã họp ở ngôi nhà số 312 phố Khâm Thiên - Hà Nội, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.

Nhà số 312 phố Khâm Thiên, nơi thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng 

Sau khi ra đời, Đông Dương Cộng sản Đảng đã công bố Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ. Các văn kiện này thừa nhận đường lối của Quốc tế cộng sản, xác định vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản và nêu rõ: “thời kỳ đầu tiên của cách mệnh Đông Dương là tư sản dân chủ cách mệnh” và sau đó là “cách mệnh xã hội”. Bản Tuyên ngôn nêu rõ Đông Dương Cộng sản Đảng là Đảng đại biểu cho giai cấp vô sản, bao gồm những người giác ngộ và tiên tiến hơn cả. Đảng bênh vực quyền lợi cho toàn thể vô sản giai cấp, dân cày nghèo và tất cả những người làm lụng bị bóc lột và đè nén”. Sự ra đời của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng đã đáp ứng xu thế tất yếu của lịch sử cách mạng Việt Nam, thúc đẩy phong trào cộng sản trong nước phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề cho việc ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930.

- Ngày 17/6/1930, Nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp đưa lên đoạn đầu đài ở Yên Bái xử tử. Nguyễn Thái Học sinh ngày 1/12/1902 tại làng Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là nhà cách mạng chủ trương dùng vũ lực lật đổ chính quyền thực dân Pháp, giành độc lập cho Việt Nam. Năm 1927, Nguyễn Thái Học thành lập quốc dân Đảng. Chủ trương của Đảng này là dùng bạo lực để giành lại quyền độc lập dân tộc. Bị giặc khủng bố, Nguyễn Thái Học phải lui vào hoạt động bí mật và tổ chức cuộc khởi nghĩa 10/2/1930. Mục đích cuộc khởi nghĩa là tấn công vào các cơ sở của Pháp ở Yên Bái, Hưng Hoá, Lâm Thao, Hải Dương, Kiến An..., nhưng bị thất bại. Ông và một số chiến sĩ bị bắt.

- Ngày 17/6/1939 Nguyễn Khắc Hiếu, hiệu là Tản Đà qua đời tại Hà Nội. Ông sinh năm 1888, tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt nay là huyện Ba Vì, Hà Nội. Trên văn đàn công khai của văn học Việt Nam hơn 30 nǎm đầu thế kỷ XX, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào nǎng lực sáng tạo. Là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực, đi khắp đất nước, nhà thơ, nhà văn Tản Đà đã để lại nhiều tác phẩm bao gồm nhiều thể loại. Nhiều thế hệ người Việt Nam được hun đúc lòng yêu nước khi đọc bài thơ "Thề non nước" của ông. Những tác phẩm nổi tiếng của Tản Đà có: Khối tình con I, Khối tình con II, Giấc mộng con, Giấc mộng lớn, Tản Đà xuân sắc...

Họa sĩ Tô Ngọc Vân. 

- Ngày 17/6/1954, họa sĩ Tô Ngọc Vân qua đời. Họa sĩ Tô Ngọc Vân, bút danh Tô Tử, Ái Mỹ, sinh ngày 15/12/1906 tại Xuân Cầu, Văn Giang, Hưng Yên. Ông tốt nghiệp trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá II (1926-1931). Từ nǎm 1931 ông cộng tác với các báo "Nhân loại", "Phong hoá", "Ngày nay", "Thanh Nghị". Ông từmg dạy ở trường trung học Nông Pênh và dạy ở trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, ông tích cực tham gia kháng chiến chống Pháp, phụ trách Trường Mỹ thuật Việt Bắc. Ông được xem là người có công đầu trong chất liệu sơn dầu ở Việt Nam. Tranh của ông từng triển lãm ở Sài Gòn, Hà Nội và một số nước như Ba Lan, Liên Xô, Hunggari, Rumani... Ông cũng là người có nhiều công sức đào tạo các thế hệ hoạ sĩ Việt Nam. Ngày 17/6/1954, ông hy sinh ở Đa Khê, vùng gần sát chiến trường Điện Biên Phủ. Khi đó, ông mới 48 tuổi. Đánh giá về tài nǎng và đóng góp của ông đối với nền hội hoạ Việt Nam nói chung và hội hoạ cách mạng nói riêng, Nhà nước ta đã trao tặng ông giải thưởng quốc gia Hồ Chí Minh.

- Ngày 17/6/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đã xóa xong nạn mù chữ trước thời hạn quy định và sớm nhất trong các huyện ở miền Bắc.

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 17/6/1924, tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản với tư cách là đại biểu tư vấn, là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp nhưng cũng là người Việt Nam đầu tiên tham dự mang tiếng nói của các dân tộc thuộc địa. Đại hội có 504 đại biểu của 49 Đảng Cộng sản và công nhân đại diện cho hơn 1,3 triệu đảng viên cộng sản trên toàn thế giới và 10 tổ chức quốc tế... Trước khi Tổng Bí thư của Quốc tế Cộng sản V.Curalốp đọc Nghị quyết và lời kêu gọi của Đại hội, đại biểu Nguyễn Ái Quốc đã nêu vấn đề: “Tôi muốn biết Đại hội có gửi lời kêu gọi đặc biệt đến các nước thuộc địa không?” và yêu cầu bổ sung vào văn kiện câu: “Gửi các dân tộc các nước thuộc địa”. Cuối cùng, tất cả các yêu cầu của Nguyễn Ái Quốc đều được Đại hội chấp nhận. Ngày 17/6/1944, Iceland tuyên bố trở thành nước cộng hòa độc lập, tách khỏi Liên minh Iceland-Đan Mạch vốn đã tồn tại từ năm 1918./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN