Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngành y tế Thái Bình chủ động xây dựng đề án và tiến hành các biện pháp sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lậpp

Thứ Sáu, 17/08/2018 15:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngành y tế Thái Bình đang tiến hành sáp nhập Trung tâm Da liễu vào Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn và đổi tên thành Bệnh viện Da liễu Thái Bình. Hiện Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn đã chủ động tham mưu với Sở Y tế để xây dựng đề án và tiến hành các biện pháp chuẩn bị sáp nhập.

Ảnh minh họa (Ảnh:H.M)

Đây là một trong những nhiệm vụ nhằm thực hiện Nghị quyết số 19 Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, và Kết luận của Ban thường vụ tỉnh ủy về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập,

Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn hiện đang quản lý 13 khoa phòng. Sau khi sáp nhập thêm 9 khoa phòng của Trung tâm Da liễu Thái Bình và đổi tên thành Bệnh viện Da liễu Thái Bình, các khoa phòng sẽ được tinh giản chỉ còn 15 khoa phòng. Trong đó, chia làm 2 cơ sở tại TP Thái Bình và tại xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư. Nhiệm vụ của Bệnh viện Da liễu Thái Bình tiếp tục là khám chữa bệnh đa khoa, chuyên sâu điều trị da liễu cho người dân, và chăm sóc bệnh nhân phong tàn tật. Việc sáp nhập không chỉ giảm đầu mối và những bộ phận trùng chức năng, nhiệm vụ, mà còn tạo thuận lợi trong quản lý nhân lực sau này.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thế Bê, Giám đốc Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn cho biết, bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn là trước đây khó tuyển bác sĩ đa khoa thì sau sáp nhập lại sẽ tuyển được bác sĩ có năng lực, điều động giữa cơ sở 1 và cơ sở 2 sau này cũng tốt.. từng bước một phát triển lĩnh vực chuyên khoa da liễu, phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo chỉ đạo của tỉnh, của ngành.

Việc sáp nhập Trung tâm Da liễu và Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn nằm trong lộ trình tinh gọn bộ máy của ngành y tế theo hướng hiệu quả hơn, nhưng vẫn hạn chế xáo trộn và đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị. Tuy nhiên, trong quá trình sáp nhập cũng phát sinh một số vấn đề cần có sự vào cuộc của các cấp các ngành để đảm bảo hiệu quả hoạt động của đơn vị sau sáp nhập.

Sáp nhập đồng nghĩa với việc có nhiều thay đổi về vị trí lãnh đạo khoa phòng của cả 2 đơn vị. Về vấn đề này, Ban giám đốc bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn đã phối hợp với Trung tâm Da liễu Thái Bình làm tốt công tác tư tưởng, bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch, đúng quy định, tạo sự đồng thuận trong cán bộ nhân viên y tế

Anh Dương Văn Lập, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn: “Với chức năng của phòng tổ chức cán bộ chúng tôi sẽ tham mưu cho Ban giám đốc bệnh viện mới căn cứ vào quyết định 188 năm 2017 của Sở Y tế Thái Bình về việc quy trình bổ nhiệm cán bộ, lúc đó sẽ rà soát tiêu chuẩn điều kiện dựa trên các chức vụ mà các đồng chí hiện đang giữ ở khoa phòng của 2 đơn vị để làm quy trình bổ nhiệm”.

Còn theo bác sĩ CKI Lê Thị Út Thuận, trưởng khoa Nội, Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn: “Nhìn chung cán bộ đã nắm được sự tuyên truyền của các cấp các ngành và ban giám đốc, chúng tôi vẫn xác định sáp nhập là động lực để chúng tôi có xu hướng học hỏi nhiều hơn.. Hi vọng sáp nhập sẽ làm bệnh viện ngày 1 phát triển, đời sống cán bộ nhân viên sẽ được nâng lên”.

Là đơn vị y tế đặc thù, không chỉ thực hiện chuyên môn về khám chữa bệnh, Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn còn tiếp nhận quản lý một làng cộng đồng với 100 hộ và hơn 300 khẩu, cùng với đó là 1 nhà thờ, 1 nhà chùa trong khuôn viên bệnh viện. Đây là vấn đề đặt ra khi sáp nhập mà bệnh viện đang tìm hướng giải quyết.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thế Bê, Giám đốc Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn bày tỏ mong muốn là sau khi thành lập bệnh viện tỉnh chỉ đạo huyện làm sao chuyển làng cộng đồng về cho xã Vũ Vân quản lý thành 1 thôn... đất cát của bệnh viện chỗ nào bệnh viện chỗ nào của làng cộng đồng phải chuyển cho rõ ràng, các tổ chức tôn giáo chính trị nhà thờ nhà chùa từng bước chuyển về cho chính quyền địa phương làm sao để quản lý được tốt hơn để BV tập trung phát triển chuyên môn.

Việc đảm bảo chế độ cho bệnh nhân phong tàn tật, giải quyết thủ tục hành chính cho bệnh nhân khi khoảng cách địa lý giữa 2 cơ sở lên tới trên 15km - Đó cũng là những vấn đề đặt ra trong quá trình sáp nhập. Sở Y tế, Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn và Trung tâm Da liễu Thái Bình đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan để từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đưa ra những phương án hợp lý nhất để đảm bảo hiệu quả hoạt động của Bệnh viện Da liễu Thái Bình. Dự kiến việc sáp nhập sẽ hoàn thành trong năm 2018.

M.P

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN