Ngành y tế kiên quyết giảm thiểu chất thải nhựa
(ĐCSVN) – Hiện nay, thải nhựa đang hằng ngày tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Chính phủ nước ta cũng đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa.
Hưởng ứng “Thư kêu gọi cả nước hành động giải quyết vấn đề chất thải nhựa” của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 4/2019, Bộ Y tế cùng nhiều bộ, ngành và các địa phương trong cả nước cũng bắt tay vào triển khai và kiên quyết giảm thiểu chất thải nhựa.
Thực tế, trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…
Những vật liệu nhựa dùng trong các hoạt động này có thể thay thế bằng các chất liệu an toàn, thân thiện hơn đối với môi trường nếu có sự quyết tâm, chung tay của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế cũng như người dân.
Cùng với Chỉ thị 08.CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, tính đến thời điểm hiện nay, các sở y tế, các cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức, người lao động trong ngành đã cơ bản nghiêm túc thực hiện việc: hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.
Bước đầu, các đơn vị cũng đã đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị… Đồng thời, tiến hành thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định.
Song song với đó là tăng cường tổ chức quán triệt, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn, truyền thông, vận động cán bộ, nhân viên y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế và cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị.
Đặc biệt, các bệnh viện đã triển khai các hướng dẫn, quy định về chất thải nhựa và hướng dẫn cách phân loại, sử dụng, dưới dạng hình ảnh bắt mắt tại khuôn viên để tuyên truyền cho đông đảo cán bộ, công nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đến viện.
Tin và hy vọng rằng, việc giảm thiểu chất thải nhựa sẽ thực sự trở thành một hành động theo thói quen của chung cộng đồng xã hội chứ không riêng trong ngành y tế.