Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngành du lịch Vĩnh Phúc ngày càng phát triển

Thứ Bảy, 11/12/2021 11:27 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Những năm qua, du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế trọng yếu của Vĩnh Phúc, góp phần tạo nhiều cơ hội việc làm và doanh thu cho địa phương. Nhờ biết cách khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, ưu tiên nguồn lực đầu tư và thu hút được nhiều dự án lớn, những năm qua, nhất là sau 10 năm Nghị quyết số 01 của BCH Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống, du lịch, dịch vụ của Vĩnh Phúc ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội chuyển dịch đúng hướng.

Ngành du lịch Vĩnh Phúc ngày càng phát triển (Ảnh: B.P) 

Ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh, cùng với chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, Vĩnh Phúc luôn quan tâm đến việc  khai thác, phát triển du lịch, dịch vụ nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đưa ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, năm 2011, BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 01 về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của vùng và của cả nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân lĩnh vực dịch vụ, du lịch trong cả giai đoạn là từ 15,5-17%; đến năm 2020, đón khoảng 4,3-4,5 triệu lượt khách nội địa, trên 150 nghìn lượt khách quốc tế, lao động hoạt động trong ngành du lịch đạt 25,5 nghìn người.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 01, Vĩnh Phúc đã thành lập Ban chỉ đạo, ban hành 16 nghị quyết, 13 quyết định, 7 kế hoạch và 5 đề án; ưu tiên thu hút đầu tư và dành nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ. Nhiều nghị quyết, đề án, chính sách đi vào cuộc sống đã tạo sự lan tỏa, được nhân dân đồng tình ủng hộ như: Chính sách đặc thù cho các hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện quy hoạch xây dựng các khu đô thị, du lịch, dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015; Đề án về kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch, dịch vụ; Đề án tuyên truyền, quảng bá xúc tiến đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020; Đề án phát triển thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc…Tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển thương mại, dịch vụ, lựa chọn những dự án đầu tư phù hợp cho lĩnh vực này.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau 10 năm triển khai thực hiện, Vĩnh Phúc đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Nghị quyết 01 đề ra. Chất lượng một số ngành dịch vụ ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội chuyển dịch đúng hướng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được các vùng du lịch, dịch vụ trọng điểm tại thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên và các huyện Tam Đảo, Sông Lô, Bình Xuyên với 352 cơ sở lưu trú du lịch, gần 6.400 buồng đạt tiêu chuẩn về nhà nghỉ du lịch. Trong đó, có 2 khách sạn 5 sao là khu nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Thịnh, khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải; 2 khách sạn 4 sao là khu nghỉ dưỡng Sông Hồng thủ đô, Westlake Hotel; 32 khách sạn 2 sao; 23 khách sạn 1 sao và 293 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của du khách trong nước, quốc tế.

Cùng với đó, dịch vụ thương mại đã phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng với nhiều siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn...có mặt tại khắp các địa phương. Đặc biệt, năm 2020, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa nội địa, xuất nhập khẩu và quá cảng trên hành lang kinh tế Hà Nội – Lào Cai.

Chủ động cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, tháng 2/2013, UBND tỉnh ban hành Đề án số 769 về kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch, dịch vụ tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, tập trung vào các giải pháp: Hướng nghiệp du lịch tại các trường THCS, THPT; mở các cơ sở, các khóa đào tạo nghiệp vụ du lịch và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thanh niên tham gia các khóa đào tạo về du lịch tại các cơ sở tạo đào ở Hà Nội và các địa phương.

Đồng thời, cử hơn 1.000 lượt cán bộ quả lý kinh doanh, nhân viên phục vụ ngành du lịch đi đào tạo nghiệp vụ trong và ngoài nước; hình thành nhiều sản phẩm du lịch, trong đó có 2 sản phẩm mũi nhọn đang thu hút khách là du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch lễ hội. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tạo động lực cho kinh tế tăng trưởng, từng bước đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm du lịch, khi lượng khách và doanh thu từ du lịch giai đoạn 2015-2019 liên tục tăng cao. Cụ thể, năm 2019, khách du lịch đến tỉnh tăng gấp 1,84 lần so với năm 2015 và doanh thu tăng từ 1.170 tỷ đồng năm 2015 lên 1.910 tỷ đồng năm 2019; khách quốc tế tăng từ 22.34 lượt người năm 2011 tăng lên 43.500 lượt người năm 2019.

Tuy nhiên, với nhiều khó khăn, nhất là 2 năm qua, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh không sôi động đã  khiến 16/29 chỉ tiêu không đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra như: tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 6%/năm, thấp hơn 0,67%/năm so với giai đoạn 2011-2015 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 16-17%.

Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế có xu hướng giảm từ 33,1% năm 2012 xuống còn 28,28% năm 2021, không đạt mục tiêu nghị quyết đến năm 2020 chiếm 39-42%. Đối với du lịch, lượng khách quốc tế thu hút được mỗi năm chỉ đạt 12%, không đạt mục thu hút từ 13-15% đề ra. Riêng về thương mại, Vĩnh Phúc chỉ đạt 1/6 chỉ tiêu đề ra, đó là phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử, kết nối với các sàn giao dịch lớn trong cả nước; 5 chỉ tiêu còn lại đều không đạt, trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân mới đạt 9,8%/năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng từ 19-21%; doanh thu đến năm 2020 chỉ đạt hơn 60% so với mục tiêu.

Để phục hồi, phát triển du lịch sau đại dịch, thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao ý trong xây dựng, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa trong phát triển du lịch gắn với việc bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững. Cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trong đó, xây dựng đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các khu du lịch trọng điểm của tỉnh.

 Đồng thời, tập trung phát triển thị trường, sản phẩm du lịch, khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh, các di tích, danh thắng và du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch thể thao Golf, du lịch hội nghị - hội thảo. Kêu gọi đầu tư theo hướng xây dựng loại hình nghỉ dưỡng cao cấp, gắn kết với các điểm du lịch hồ Xạ Hương, Làng Hà, thác Bản Long, Ngọc Thanh và vùng phụ cận để tạo ra các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, ưu tiên tập trung các nguồn lực xây dựng các khu vực trọng điểm như: Khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải, Đầm Vạc, Vĩnh Thịnh, Hồ Vân Trục... gắn với du lịch qua các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Tây Bắc.

Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đầu tư các điểm dừng, nghỉ và tăng cường các tuyến xe phục vụ du lịch từ Vĩnh Yên đi Tây Thiên, Tam Đảo, Đại Lải; cải thiện hạ tầng viễn thông, cấp điện, nước và chất lượng phục vụ tại nhà ga đường sắt Vĩnh Yên và Phúc Yên để phục vụ khách du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các trung tâm mua sắm hệ thống khách sạn cao cấp, khu giải trí chất lượng cao nhằm tạo sức hút khách du lịch đến lưu trú. Nâng cấp các tuyến giao thông chính trên địa bàn huyện để hình thành hạ tầng đô thị du lịch kết nối các khu, điểm du lịch Tam Đảo 1, Tam Đảo 2, Tây Thiên với các địa phương trong huyện và liên huyện. Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển nguồn nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

T.N

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN