Nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt các nghị quyết Hội nghị TW 7
(ĐCSVN) – Sáng 12/5, sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị.
Kiên quyết huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ
Trên cơ sở thảo luận kỹ lưỡng và sâu sắc Đề án và Tờ trình của Bộ Chính trị, Hội nghị đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Nghị quyết Trung ương lần này đã kế thừa, bổ sung và phát triển Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về Chiến lược cán bộ, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ đó đến nay với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá, khả thi và sát với tình hình thực tế. Đặc biệt, Trung ương đã chỉ rõ: Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược tập trung xây dựng trong thời gian tới phải có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nền kinh tế số, kinh tế tri thức và biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường.
Điểm nhấn của Nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hoá quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền. Kiên quyết huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Cụ thể hoá để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp.
Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính
Hội nghị nhất trí ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương nhằm sớm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Trung ương nhấn mạnh, phải coi chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ; trả lương đúng chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.
Cải cách chính sách tiền lương phải gắn liền với cải cách hành chính, đổi mới, tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh triển khai thực hiện các đề án đổi mới, cải cách trong các lĩnh vực có liên quan khác; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương hiện hành; tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc làm cơ sở để tăng lương; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; có lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước.
Tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân
Hội nghị nhất trí cho rằng, trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để Bảo hiểm xã hội thực sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc "đóng - hưởng", "công bằng", "bình đẳng", "chia sẻ" và "bền vững".
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế; củng cố niềm tin, sự hấp dẫn và hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội.
Coi cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là nhiệm vụ quan trọng, vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội.
Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.
Đẩy nhanh việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân trên cơ sở xây dựng hệ thống bảo hiểm đa tầng, không chỉ bao gồm bảo hiểm xã hội cơ bản với cả hình thức bắt buộc và tự nguyện mà còn bao gồm cả bảo hiểm hưu trí bổ sung và lương hưu xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, thu nhập của người dân và các nguồn lực xã hội được huy động theo truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc.
Sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc công bằng, “đóng - hưởng”, “chia sẻ”. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác có nhu cầu và khả năng…
Để bảo đảm cân đối tài chính Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn, cần khẩn trương bổ sung, sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay; Sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để đạt mục tiêu tăng trưởng diện bao phủ với mức hưởng phù hợp; Điều chỉnh tỉ lệ tích lũy để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế. Đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, hiệu quả và bền vững.
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất ban hành Nghị quyết của Trung ương về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; xem xét và thông qua các tờ trình của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thành công tốt đẹp. Kết quả của Hội nghị thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết thống nhất cao của Trung ương chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố, phát huy những kết quả, thành tích rất đáng trân trọng mà toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong nửa đầu của nhiệm kỳ khoá XII, góp phần tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới đồng bộ và toàn diện, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát triển đất nước nhanh và bền vững vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.
Tổng Bí thư đề nghị mỗi đồng chí Trung ương, trên từng cương vị công tác của mình, hãy nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết của Trung ương lần này, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng./.