Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số Thủ đô
(ĐCSVN) - Thành phố Hà Nội đang tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô.
Thành phố Hà Nội có 13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thuộc 4 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức; với trên 108 nghìn người, thuộc 50/53 thành phần DTTS, sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 1,3% dân số toàn Thành phố.
Địa bàn vùng đồng bào DTTS là vùng đặc thù chiến lược về công tác an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, trình độ phát triển thì vẫn còn khoảng cách khá xa so với vùng đồng bằng, đô thị của Thủ đô, trong đó bao gồm cả khoảng cách hiểu biết về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới.
Để thu hẹp khoảng cách này, những năm qua, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 12/01/2019 về thực hiện “Đề án hỗ trợ hoạt động Bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2019-2025”; Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 18/3/2021 về thực hiện “Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 73/QĐ- UBND ngày 05/2/2023 của UBND Thành phố về ban hành Đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ DTTS giai đoạn 2022-2025” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Căn cứ chỉ đạo của Thành phố, Ban Dân tộc và các sở, ngành đã phối hợp với các địa phương vùng đồng bào DTTS tăng cường triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới.
Một lớp bồi dưỡng kiến thức về Luật Bình đẳng giới cho nhân dân các dân tộc xã Ba Trại, huyện Ba Vì do Ban Dân tộc Thành phố Hà Nội tổ chức |
Bà Bạch Tố Uyên, dân tộc Mường, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ba Trại, huyện Ba Vì nhận xét, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới ở cơ sở diễn ra khá thường xuyên. Ngoài cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội cũng rất tích cực tham gia vào công tác này.
Nội dung tuyên truyền, phổ biến được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tiễn từ cả hai phía. Theo đó, phía cung cấp nội dung là cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức hội, đoàn thể vừa chủ động thông tin tuyên truyền những điều luật thiết thực đang có hiệu lực thi hành thuộc phạm vi quản lý nhà nước chuyên ngành; vừa trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tiễn tại các địa phương để tuyên truyền, phổ biến các nội dung pháp luật mà địa phương quan tâm.
Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Thực, dân tộc Mường ở thôn Quýt, xã Yên Bài vẫn quyết định tạm gác công việc đồng áng theo xe hàng xóm ra trung tâm xã cách nhà gần 4km để nghe tuyên truyền phổ biến pháp luật về bình đẳng giới.
“Nghe thì mới biết thế nào là bình đẳng giới, để động viên các thành viên trong gia đình biết chia sẻ công việc với nhau và tránh vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết” - bà Thực mộc mạc chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Văn Hiện, thôn 5, xã Ba Trại cho biết, nhờ thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới mà vấn đề bình đẳng giới trong mỗi gia đình người dân nơi đây khá tốt. Trong nhà, mọi người biết yêu thương, đoàn kết, chia sẻ công việc cho nhau, không có định kiến rằng việc bếp núc là của người phụ nữ.
Làm Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn Đồng Âm, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, một thôn có tới 80% dân số là người dân tộc Mường, bà Đinh Thị Nha cũng chia sẻ rằng, các cặp vợ chồng trong thôn đều biết giúp đỡ nhau việc nhà nên không khí gia đình luôn hoà thuận, ít có mâu thuẫn, cãi vã, người phụ nữ có thêm điều kiện thời gian để nghỉ ngơi sau thời gian làm việc trong ngày.
Được biết, 15 năm qua, UBND Thành phố Hà Nội đã giao cho Ban Dân tộc phối hợp với Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức được trên 100 lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật và tập huấn chính sách dân tộc; hoạt động bình đẳng giới; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… cho gần 30.000 lượt đối tượng là lãnh đạo và cán bộ Phòng Dân tộc huyện Ba Vì; lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác dân tộc ở các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và đội ngũ báo cáo viên pháp luật của các huyện nói trên.
Ở cấp xã là đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; cán bộ văn hoá, cán bộ tư pháp, cán bộ phụ trách công tác dân tộc và tuyên truyền biên pháp luật ở các xã vùng DTTS và miền núi.
Ở cấp thôn là bí thư chi bộ, trưởng thôn, phó thôn, trưởng ban công tác Mặt trận, chi hội trưởng chi hội Nông dân, Phụ nữ, hoà giải viên, người có uy tín, đại biểu tiêu biểu tại các thôn, cụm dân cư.
Ngoài ra, Hà Nội còn thực hiện nhiều hình thức khác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật như: phát hành định kỳ hàng quý Bản tin Dân tộc Hà Nội; cập nhật, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ban Dân tộc Hà Nội; tổ chức Hội thi “Tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình”; biên soạn, xuất bản 5.000 cuốn sổ tay chính sách, pháp luật và hơn 300.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật với nội dung: Tìm hiểu chính sách dân tộc, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em... phát cho các hộ gia đình ở vùng dân tộc, miền núi…
Giai đoạn 2021 - 2025, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, đặc điểm tình hình vùng đồng bào DTTS, miền núi và Kế hoạch 253/KH-UBND ngày 11/11/2021 của UBND Thành phố về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030, Hà Nội đã đề ra 09 nội dung để phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi của Thủ đô Hà Nội.
Trong đó, Thành phố dự kiến bố trí 9,490 tỷ đồng để thực hiện nội dung bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố được giao chủ trì 01 đề án, kinh phí 1,2 tỷ đồng (Tuyên truyền nâng cao nhận thức bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ người DTTS). Ban Dân tộc 01 đề án, kinh phí 3,1 tỷ đồng (Tuyên truyền hỗ trợ hoạt động Bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ vùng DTTS). Huyện Ba Vì 01 dự án, kinh phí 1,4 tỷ đồng (Đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ vùng DTTS). Huyện Mỹ Đức 01 dự án, kinh phí 0,5 tỷ đồng (Tổ chức dạy nghề cho cán bộ nữ vùng DTTS).
Kết quả trong 3 năm 2021 - 2023, Thành phố đã bố trí 1,155 tỷ đồng, trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố 300 triệu đồng. Ban Dân tộc Thành phố 855 triệu đồng để thực hiện các đề án được giao. Hiện nay, các nội dung đang được triển khai thực hiện tốt.
Mục tiêu phấn đấu của Hà Nội là tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới.
Đồng thời thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ./.