Nâng cao chất lượng đánh giá công nghệ y tế
(ĐCSVN) - Đánh giá công nghệ y tế tại Việt Nam có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là lĩnh vực nghiên cứu, đánh giá các tác động của các công nghệ y tế, can thiệp y tế (bao gồm thuốc, vắc xin, quy trình y tế, thiết bị y tế, dịch vụ y tế và cả các can thiệp y tế công cộng) về nhiều khía cạnh như y học, xã hội học và kinh tế học…
Ảnh minh họa (Ảnh: Đ.T) |
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, đánh giá công nghệ y tế nói chung và đánh giá kinh tế dược nói riêng đã và đang giữ vai trò là công cụ quan trọng đối với quá trình thiết lập ưu tiên và hoạch định chính sách y tế, đặc biệt trong việc xây dựng các gói quyền lợi bảo hiểm y tế (BHYT). Ở Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực dành cho y tế ngày càng trở nên khan hiếm, quỹ BHYT phải bao phủ ngày càng nhiều DVYT, thì đánh giá công nghệ y tế cần được phát triển và ứng dụng trong quá trình hoạch định chính sách y tế cũng như chính sách BHYT.
Đặc biệt, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã nêu rõ nhiệm vụ quan trong của hệ thống y tế, đó là “Xây dựng các tiêu chuẩn và triển khai công tác đánh giá công nghệ y tế để xác định các can thiệp y tế có hiệu lực, hiệu quả, chi phí thấp, bảo đảm chất lượng DVYT”.
Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, thời gian qua, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều nội dung trong việc xây dựng và ban hành tiêu chí về bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; xây dựng hướng dẫn về đánh giá công nghệ y tế; hướng dẫn dành cho người chuẩn bị báo cáo và hướng dẫn dành cho Hội đồng thẩm định để đánh giá báo cáo và triển khai xây dựng mạng lưới đánh giá kinh tế dược. Trên cơ sở đó, giúp kết nối giữa Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, Sở Y tế, cơ sở KCB với chuyên gia kinh tế y tế đến từ các viện, trường, hội, trung tâm nghiên cứu, các công ty dược phẩm.
Được biết, trong quá trình xây dựng danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT (ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT), lần đầu tiên Bộ Y tế đã chính thức ban hành bộ nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục. Trong đó, yêu cầu bắt buộc các đơn vị phải cung cấp báo cáo đánh giá tác động ngân sách và khuyến khích cung cấp bằng chứng chứng minh về chi phí-hiệu quả của thuốc đối với các thuốc đề xuất bổ sung mới vào danh mục. Nhờ đó, đã lựa chọn được thuốc thực sự cần thiết cho nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng, việc sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng chính sách BHYT không chỉ mang tính khuyến khích, mà sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc, nhất là đối với các thuốc, VTYT và DVKT đề xuất bổ sung mới vào danh mục. Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật BHYT sửa đổi, trong đó cũng nhấn mạnh việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT cần dựa trên các bằng chứng đánh giá công nghệ y tế”- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ.
Đánh giá cao sự phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Bộ Y tế trong việc nâng cao chất lượng đánh giá công nghệ y tế thời gian qua, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, chính sách BHYT đã được tổ chức thực hiện hiệu quả trong suốt 28 năm qua, với tỷ lệ bao phủ hiện vượt mức 90%. Đây là kết quả có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo nguồn lực tài chính trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với Bộ Y tế và Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng thành công CSDL quốc gia đầu vào trong chính sách y tế Việt Nam. BHXH Việt Nam sẽ luôn đồng hành và tham gia tích cực xây dựng CSDL y tế đầu vào giúp chúng ta hoạch định chính sách tốt hơn, cũng chính là tổ chức thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam ngày càng tốt hơn”-