Nam Đàn (Nghệ An): Phấn đấu 18/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016
(ĐCSVN) - Theo Ban Chỉ đạo Chương trình Nông thôn mới huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, triển khai thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), đến nay toàn huyện đã có 11/23 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đồng thời 7 xã đang tiếp tục phấn đấu về đích trong năm 2016.
Từ năm 2016, Ban Chỉ đạo Chương trình NTM huyện Nam Đàn đã chỉ đạo các xã đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng NTM tại huyện. Đối với 8 xã đăng ký về đích NTM trong năm 2016, xây dựng kế hoạch chi tiết, xác định nguồn vốn, lộ trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã thành lập 13 tổ công tác để chỉ đạo tại 13 xã còn lại nhằm đôn đốc, giúp đỡ các xã thực hiện có hiệu quả các nội dung xây dựng NTM.
Cụ thể, tính đến tháng 9/2016, trên toàn huyện đã có 23/23 xã có quy hoạch NTM được phê duyệt. Các xã đã công bố, công khai quy hoạch, đồng thời tổ chức cắm mốc, xây dựng quy chế quản lý và từng bước thực hiện theo quy hoạch.
Đặc biệt, trên lĩnh vực phát triển kinh tế - một trong những nội dung chủ yếu, xuyên suốt trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, UBND, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, nhiều xã đã xây dựng được mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Các mô hình sản xuất tiêu biểu đạt hiệu quả cao như: hoa lý xã Nam Anh, Nam Xuân; mướp đắng, hẹ xã Nam Xuân; dưa hấu Nam Tân; bí xanh – dưa hấu Vân Diên; hoa Kim Liên, Xuân Hòa,…
Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng được các mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để phát huy cao hơn tiềm năng của giống cây trồng, vật nuôi, hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm công lao động, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đáng chú ý, hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn huyện không ngừng được củng cố và phát triển, các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu cũ được giải thể; các HTX dịch vụ nông nghiệp được thành lập mới và hoạt động theo Luật HTX 2012, bước đầu hoạt động các khâu dịch vụ về phân bón, giống, thủy nông, làm đất. Ngoài ra, các quỹ tín dụng nhân dân: Vân Diên, Xuân Hòa, Nam Thanh, Nam Cát, Nam Anh hoạt động có hiệu quả đã góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Thông qua các hoạt động sản xuất kinh tế đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 15,8% năm 2010 xuống còn 5,21% năm 2015; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 17,5 triệu đồng/người/năm năm 2010 lên 30 triệu đồng/người/năm 2015.
Cùng với đó, phát huy vai trò nội lực từ nhân dân, đồng thời tranh thủ đầu tư hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp, lồng ghép từ các chương trình, dự án trên địa bàn, qua 5 năm xây dựng NTM, toàn huyện đã xây dựng mới, nâng cấp nhiều công trình hạ tầng quan trọng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Cụ thể, huyện đã xây mới, nâng cấp, cải tạo được 527,7km đường giao thông các loại, trong đó, đường trục xã đạt 100km, trục xóm đạt 232,7km; đường ngõ xóm 61km, đường giao thông nội đồng 178,9km.
Về cơ sở hạ tầng thủy lợi, đã nâng cấp, tu sửa 85,9km kênh mương, 17 trạm bơm, 11 hồ đập và hàng nghìn cống nội đồng. Với hệ thống điện, huyện đã nâng cấp, thay thế hệ thống đường dây điện, trạm biến áp tại 23/23 xã, tỷ lệ tiêu chí về điện đạt 100%. Về tiêu chí giáo dục đào tạo, toàn huyện đã có 10 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, có 36 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đồng thời giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS.
Nhìn chung, đến nay, toàn huyện đã có 11 xã đạt 19/19 tiêu chí, được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Nam Nghĩa, Vân Diên, Xuân Hòa, Nam Anh, Nam Xuân, Nam Giang,…; 7 xã đang hoàn thiện hồ sơ để trình tỉnh thẩm định và công nhận xã NTM. Trong đó, dự kiến cuối năm 2016, các xã trên sẽ được tỉnh công nhận xã NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn là 18/23, đạt tỷ lệ 78,2%; 5 xã còn lại đạt từ 11-15 tiêu chí, dự kiến cuối năm 2016, 5 xã này đều đạt từ 15 tiêu chí trở lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng NTM trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Cụ thể, công tác chỉ đạo xây dựng NTM ở một số xã chưa được quan tâm đúng mức. Vẫn còn tư tưởng ngại khó, thiếu tư duy sáng tạo trong quá trình thực hiện xây dựng NTM. Vì vậy, tiến độ thực hiện xây dựng NTM còn chậm, kết quả thực hiện đạt các tiêu chí thấp và chưa bền vững.
Các mô hình sản xuất theo hướng liên doanh, liên kết trên địa bàn huyện còn ít, chưa tạo được vùng sản xuất hàng hóa lớn để kết nối thị trường tiêu thụ. Đồng thời, các HTX mới thành lập bước đầu hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, một số chủ nhiệm HTX còn ngại khó, chưa có tính tư duy, sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chưa đáp ứng theo cơ chế thị trường.
Cùng với đó, nguồn lực đầu tư của Nhà nước, ngân sách huyện còn khá hạn chế; việc vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng chưa nhiều. Hiện nay, các thiết chế văn hóa thể thao của xã và xóm vẫn còn thiếu; một số trường học, trạm y tế đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng đến nay cơ sở vật chất đã xuống cấp, ảnh hưởng đến quá trình dạy và học và đảm bảo chất lượng trong việc khám và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình NTM huyện Nam Đàn, từ nay đến hết năm 2016, huyện phấn đấu có thêm thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Đến năm 2017, các xã còn lại đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM là 23/23 xã, đạt tỷ lệ 100%. Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung chỉ đạo để đến năm 2020 có 3-4 xã hoàn thành xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, Nam Đàn sẽ tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện các nội dung xây dựng NTM; kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở các cơ sở. Về kinh tế và tổ chức sản xuất, triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục chỉ đạo các xã phân loại vùng đất, chọn các cây, con chủ lực để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất thích hợp với điều kiện của từng vùng; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng cường các mô hình liên doanh, liên kết để chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tiếp tục vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn. Đồng thời, tranh thủ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, lồng ghép tốt các chương trình, dự án để xây dựng và từng bước hiện đại các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.
Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng Nông thôn mới”, tuyên truyền đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xóm văn hóa. Nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao số lượng lao động qua đào tạo hàng năm.
Song song với đó, tăng cường công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế. Đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo môi trường nông thôn xanh sạch đẹp; chỉ đạo các xã phát động làm vệ sinh môi trường gắn với bảo vệ hành lang an toàn giao thông, quan tâm đầu tư chương trình nước sạch cho các địa phương./.