Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mất quyền lợi gì khi không khai báo mắc COVID-19?

Thứ Ba, 22/02/2022 19:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Trường hợp công dân không thực hiện việc khai báo mắc COVID-19 thì ngoài việc không được hưởng một số quyền lợi còn có thể bị xử phạt. Đây là nội dung tại cuộc trao đổi giữa phóng viên cùng luật sư trước những ý kiến phản ánh từ bạn đọc gửi đến bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước thực trạng này.

Thời gian gần đây, dịch COVID-19 tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm mới. Để tránh tình trạng quá tải, ngoài việc tăng cường nhân viên y tế, các trạm y tế lưu động, tại nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp hỗ trợ F0 điều trị tại nhà theo "Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà" do Bộ Y tế vừa ban hành.

 (Ảnh minh họa: Nguồn: baoquangninh.com.vn).

Đánh giá về giải pháp này, nhiều bạn đọc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, đây là giải pháp phù hợp điều kiện thực tế. Tuy nhiên, bạn đọc bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước thực trạng, có hay không việc  bệnh nhân không khai báo với cơ sở y tế, thậm chí là cố tình che dấu tình trạng bệnh của mình và vẫn đi làm, tham gia các hoạt động xã hội bình thường? Trong trường hợp này, quyền lợi của người không khai báo sẽ chịu ảnh hưởng ra sao? Nếu cơ quan chức năng đủ căn cứ xác định vi phạm thì có thể xử phạt được không?

 Chia sẻ về những quan tâm, băn khoăn nêu trên từ bạn đọc, dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Dương, đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, những hành động (nêu trên) nếu có thì người bệnh không khai báo sẽ chịu ảnh hưởng, thậm chí mất một số quyền lợi đáng được hưởng theo quy định. Ngoài ra, nếu đủ cơ sở xác định hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể sẽ bị xử lý, xử phạt.

 Tại Quyết định 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế nêu: Bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra là thuộc danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại điểm a, khoản 1 và khoản 2, Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Do đó, hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh dịch COVID-19 là hành vi trái pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm mà hành vi này có thể bị xử ý hình sự theo quy định của pháp luật.

 Điểm a, khoản 3, Điều 7, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thì hành vi “che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mặc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

 Đáng chú ý, trường hợp hành vi này làm lây lan dịch bệnh COVID-19 thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 Cũng theo phân tích từ luật sư, ngoài việc phải chịu trách nhiệm như trên khi vi phạm, trường hợp người mắc COVID-19 mà không khai báo còn không được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật. Những quyền lợi này đã được quy định rõ.

 Khoản 2, điều 48, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định: “Huy động phương tiện, thuốc, thiết bị y tế, giường bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và bố trí cán bộ y tế chuyên môn trực 24/24 giờ để sẵn sàng cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh phục vụ chống dịch. Người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí”. Theo quy định này thì người dân Việt Nam khi mắc bệnh dịch COVID-19 sẽ được khám và điều trị miễn phí, không phải chi trả chi phí điều trị đối với bệnh này, kể cả đối với người không tham gia BHYT.

 Người nhiễm COVID-19 còn được được hưởng chế độ ốm đau theo Luật Bảo hểm xã hội. Cụ thể, theo quy định tại Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì để được hưởng chế độ ốm đau, người lao động (đã tham gia Bảo hiểm xã hội (“BHXH”)) nhiễm dịch bệnh COVID-19 phải có bản chính hoặc bản sao giấy ra viện (nếu điều trị nội trú) hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (nếu điều trị ngoại trú).

 Trong thời gian nghỉ việc để điều trị COVID-19, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014), và các quyền lợi khác theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Do đó, trong trường hợp không may bị mắc COVID-19, thì người lao động cần phải khai báo với cơ quan chức năng theo quy định thì mới có cơ sở hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ để hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật hiện hành.

"Đây là những cơ sở để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng theo quy định của pháp luật, do đó, mỗi người dân cần tự ý thức hành động của bản thân trong việc khai báo tình trạng bệnh. Trường hợp khi đã thực hiện đúng theo quy định mà không được hỗ trợ, giải đáp, giúp đỡ thì người dân hoàn toàn có thể phản ánh tới cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý nếu phát hiện cơ sở, đơn vị không bảo đảm thực thi nhiệm vụ đã được giao" - luật sư Hoàng Dương cho biết thêm./.

Trường Quân - Tuấn Quang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN