Lồng ghép giới trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số
(ĐCSVN) - Nỗ lực của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực 13 xã dân tộc thiểu số, miền núi (theo chuẩn nghèo của thành phố) cuối năm 2022 còn 0,72%. Thu nhập bình quân đầu người trên 55 triệu đồng/người/năm. 100% xã vùng dân tộc thiểu số miền núi của Hà Nội đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực 13 xã dân tộc thiểu số, miền núi
Phát biểu tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép giới trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Hà Nội do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng tổ chức ngày 25/9, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, Hà Nội có 13 xã, 1 thôn dân tộc thiểu số trên địa bàn của 5 huyện.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh phát biểu tại hội thảo |
Thời gian qua, nhiều hoạt động đã được các cấp Hội triển khai, thực hiện, như: Tuyên truyền vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm thông qua các tổ truyền thông cộng đồng; tập huấn, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu kiến thức bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ, cán bộ Hội, các ban ngành, già làng trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng; hỗ trợ phụ nữ tiếp cận vốn vay phát triển kinh tế, phát triển mô hình kinh tế tập thể.
Cùng với đó, Hội đang tín chấp 180,608 tỷ đồng vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội cho 3.845 người vay, 74,9 tỷ đồng từ Ngân hàng nông nghiệp cho 758 người vay....
Quang cảnh hội thảo chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép giới trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Hà Nội |
Những nỗ lực đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực 13 xã dân tộc thiểu số, miền núi (theo chuẩn nghèo của thành phố) cuối năm 2022 còn 0,72%, trong đó xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người trên 55 triệu đồng/người/năm. 100% xã vùng dân tộc thiểu số miền núi của Hà Nội đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn như định kiến giới, nhận thức trình độ của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, khoảng cách về điều kiện sống giữa vùng dân tộc và đô thị, thói quen phong tục tập quán, nguồn lực, năng lực cán bộ…
Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết trình bày về hệ thống chính sách pháp luật về bình đẳng giới và lồng ghép giới trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số |
Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe chuyên gia đi sâu phân tích về hệ thống chính sách pháp luật về bình đẳng giới và lồng ghép giới trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cùng thảo luận, đánh giá, chia sẻ những kinh nghiệm về tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho hay, để tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, Hội Liên hiệp phụ nữ 14 xã đã rà soát hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ. Năm 2023, Hội Liên hiệp phụ nữ 14 xã đã tập trung giúp 13 hộ nghèo, 83 hộ cận nghèo nâng cao mức sống…
Thạc sĩ Trần Thu Thủy, Chuyên gia giới và phát triển cho rằng, cần thu hút sự tham gia của nam giới trong tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số để cùng ra quyết định, chia sẻ việc nhà và nói không với bạo lực gia đình.
Hội thảo do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng tổ chức |
Các đại biểu cũng chỉ ra những thách thức trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế; kinh nghiệm lồng ghép giới trong các hoạt động phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực của tổ chức Hội cũng như sự phối hợp giữa Hội với các ban, ngành và địa phương về giới, lồng ghép giới trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội tại 5 huyện, 14 xã vùng dân tộc thiểu số./.